Mời thầu dự án cao tốc Bắc – Nam: Đảm bảo có cả DN trong nước, quốc tế!
(Dân trí) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh nguyên tắc đó khi trao đổi về vấn đề lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án xây dựng cao tốc Bắc – Nam tại cuộc họp báo Chính phủ tối ngày 1/8. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng cam kết về tính công bằng trong mời thầu…
Tại cuộc họp báo, báo giới đặt vấn đề việc đấu thầu sơ tuyển thực hiện các dự án trong dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông có nhiều vấn đề có khả năng dẫn tới hệ quả sẽ chỉ có các nhà thầu Trung Quốc có thể tham gia “sân chơi này”, nhà thầu nội không có “cửa”.
Trả lời vấn đề, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói rõ, với dự án này, Bộ GTVT đã tổng hợp trình lên Chính phủ, Chính phủ báo cáo Quốc hội để triển khai thực hiện với 8 dự án được phân chia thực hiện. Đối với mỗi dự án, vì xác định là xây dựng và thu phí theo mô hình đối tác công tư thì phải xem xét hiệu quả của dự án, kết nối với các trung tâm dọc tuyến đường. Theo đó, việc phân chia được tiến hành theo những đoạn ngắn nhất có thể để thuận lợi cho việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia.
Tiêu chí sơ tuyển và đấu thầu áp dụng với từng dự án cũng được tính toán cụ thể để đảm bảo một môi trường cạnh tranh bình đẳng với các nhà đầu tư.
Trao đổi thêm về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh đây là điều rất quan trọng, hồ sơ mời thầu có cả của doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Ông nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo việc đấu thầu sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, không thất thoát, lựa chọn nhà thầu có năng lực.
Loại bỏ nhà đầu tư 0 đồng
Ông Dũng cũng thông tin thêm, vấn đề tháo gỡ vướng mắc thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm cũng là nội dung được Thủ tướng quan tâm, yêu cầu thảo luận tại phiên họp của Chính phủ. Trước đó, ngày 25/7, Thường trực Chính phủ đã nghe về nhiều dự án trọng điểm như tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến Đồng Đăng - Chi Lăng, tuyến Hòa Bình - Mộc Châu hay tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo với tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận triển khai từ 2008, đến tháng 3/2019 mới được 15% khối lượng thi công. Vì thế, Thủ tướng quyết định thay đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang, đồng thời, thay đổi chất lượng nhà đầu tư, loại bỏ “nhà đầu tư 0 đồng”.
“Thủ tướng đã báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng GTVT cũng hứa sẽ hoàn thành tuyến đường này vào 2020”, ông Dũng nói và cho biết Thủ tướng đã quyết định tái cơ cấu lại toàn bộ nhà đầu tư, sẽ tiếp tục thực hiện tuyến đường này một cách nhanh nhất. Ngay cả vấn đề Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ cấp 100 tỷ tập trung hỗ trợ địa phương giải phóng mặt bằng và thực hiện các bước tiền khả thi.
Triển vọng kinh tế và những vấn đề xã hội phát sinh
Thêm các nội dung cơ bản tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khái quát, điểm nhấn trong tháng là hoạt động tri ân nhân dịp kỷ niệm ngày Thương bình liệt sỹ của lãnh đạo các cơ quan nhà nước.
Tháng 7 cũng ghi dấu bằng việc ngành giáo dục, đào tạo và các địa phương kết thúc kỳ thi THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2019. Đến thời điểm này, kỳ thi được đánh giá có nhiều ưu điểm tốt so với kỳ thi năm ngoái, chưa phát hiện vấn đề gì nghiêm trọng.
Một niềm vui khác về kinh tế là 4 ngân hàng lớn hôm nay đồng loạt tuyên bố hạ lãi suất thêm 0,5% để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, đời sống của người dân.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, phiên họp tháng 7, Chính phủ đã tập trung bàn những vấn đề còn tồn tại bộc lộ ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội đất nước.
Tình hình thế giới và Biển Đông khó lường. Hầu hết các nước có tăng trưởng thấp, song với nước ta, các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực tình hình triển vọng của kinh tế Việt Nam. Dự báo ta tăng trưởng 6,8%.
Thủ tướng kết luận phải đảm bảo toàn bộ chỉ tiêu Quốc hội giao, CPI dưới 4%, tăng trưởng phải đạt 6,8%. Nợ công, nợ nước ngoài phải hạ thấp. Tập trung tăng trưởng trên cả 3 lĩnh vực.
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế luôn được đảm bảo, duy trì với những con số rất tích cực, đặc biệt là CPI. Tháng 7 CPI tăng 0,67% so với tháng trước, tính chung cả 7 tháng chỉ mới tăng 2,6%.
Trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh cho ngành nông nghiệp, các lĩnh vực chăn nuôi như đàn bò, nuôi trồng thuỷ sản đều tăng.
Lĩnh vực công nghiệp được lưu ý với tình hình cung ứng điện cho người dân trong mùa hè vẫn được đảm bảo. Ngành du lịch vẫn mang lại kết quả tích cực với số khách quốc tế đến Việt Nam cao, đầu tư hạ tầng cho du lịch được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng cao.
Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo được chú trọng. Số hộ thiếu đói phát sinh giảm 31% so với cùng kỳ.
Nhiều công trình giao thông chậm tiến độ, giải ngân vốn ODA thấp. Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm. Từ đầu năm, mới cổ phần hóa thu về 562 tỷ, thoái vốn thu gần 4,6 nghìn tỷ - thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, phát sinh nhiều vấn đề an toàn xã hội như các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra, còn tình trạng tội phạm như đánh bạc…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt lạm phát để tạo thêm dư địa cho việc điều hành kinh tế xã hội, cần xây dựng kịch bản phòng vệ liên quan đến những dự báo về diễn biến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong triển khai chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu tinh thần bám sát thực tế, thực sự linh hoạt. Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ kỷ luật tài chính, nhất là siết chặt quản lý nguồn thu, thúc đẩy tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công.
Một mối quan ngại được nêu ra tại phiên họp của Chính phủ là khả năng sẽ thiếu cung ứng thịt heo dịp Tết Nguyên đán năm nay do tác động của dịch bệnh trên đàn lợn. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý việc kiểm soát nguy cơ cháy rừng khi liên tiếp nhiều vụ cháy nghiêm trọng đã xảy ra tại các địa phương trong tháng nắng nóng cao điểm vừa qua.
Về hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo tình hình thực hiện kiểm tra 7 tháng. Theo đó, Thủ tướng giao hơn 8.000 nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, hơn 3.000 nhiệm vụ đã hoàn thành, hơn 4.000 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng trong hạn. Những bộ, ngành, địa phương còn nợ nhiệm vụ Thủ tướng giao được yêu cầu hoàn thành.
“Như vậy, trong tháng 7 và 7 tháng, tổng quan chung là chúng ta phát triển toàn diện trên tất cả các mặt, đặc biệt cả công tác đối ngoại vẫn được duy trì tốt. Trong khu vực mối quan hệ được xử lý khéo léo, không bị động, bất ngờ”, ông Dũng nói.
P.Thảo