1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Mỗi ngày viết một câu chuyện về Người

(Dân trí) - Ở thôn Nhan Biều 3 (Triệu Thượng, TriệuPhong, Quảng Trị) có một ông đại tá già ngày nào cũng đọc một câu chuyện, viết một bài viết về Bác Hồ. Tài sản vô giá của ông hiện là cuốn sách dày 200 trang dày đặc những câu chuyện về vị Cha già của dân tộc.

Ông đại tá già đó là ông Nguyễn Đức Vũ, 85 tuổi, người được người dân Nhan Biều coi là “cuốn sách sống về Bác Hồ”.
 

Mỗi ngày viết một câu chuyện về Người - 1

Ban thờ Bác được ông Vũ lập trang trọng trong một căn phòng riêng.

 

Bốn mươi năm khôn nguôi nhớ Bác

 

Bốn mươi năm trước, ngày Bác mất, triệu triệu người Việt Nam đã khóc, đã đau nỗi đau của dân tộc. Ngày đó, có một người lính đặc công cũng òa khóc nức nở như mất đi một người thân ruột thịt. Người lính đặc công ấy là ông Nguyễn Đức Vũ, người ôm nỗi nhớ khôn nguôi về Bác từ đó đến nay.

 

Vốn là bộ đội trinh sát, rồi được chọn vào đội ngũ của binh chủng đặc công, ông Vũ đã  đi qua hai cuộc chiến ác liệt nhất của đất nước, dân tộc. Quãng đời lính xem cái chết nhẹ tựa lông hồng của ông Vũ đầy những chiến tích hào hùng, oai lẫm. Nhưng niềm tự hào lớn nhất của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Đức Vũ chính là hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Kỷ niệm quý giá ấy đã ăn sâu vào máu thịt, tuôn chảy trong từng mạch máu luân chuyển khắp cơ thể, chảy tràn qua tim ông Vũ.

 

“Đời lính của tôi vào sống ra chết, trở về với hai bàn tay trắng và một khối tài sản vô hình, vô giá. Đó chính là hai lần tôi vinh dự được cùng anh em đồng chí trong đơn vị gặp mặt Bác Hồ, nghe Bác kể chuyện, nhìn tận mắt gương mặt, đôi mắt sáng và nụ cười hiền từ ấm áp của Bác. Tôi vẫn nhớ mãi những kỷ niệm đó” - ông Vũ xúc động kể.

 

Đau đáu một nỗi nhớ Bác, khắc ghi hình ảnh của Người trong tim, khi đối mặt với quân thù, người lính Nguyễn Đức Vũ luôn tự nhủ “phải chiến đấu hết mình để giữ mảnh đất mà Bác Hồ và cả dân tộc đã đổ máu để gìn giữ”. Ông đã đi qua chiến tranh với niềm tin, nhiệt huyết ấy.

 

Cho đến lúc về nghỉ hưu, ông Vũ vẫn không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, giữ mãi hình ảnh Bác trong tim.

 

Lập bàn thờ, xây phòng thờ Bác

 

Lòng kính yêu đối với Bác Hồ của ông đại tá già “đặc biệt” hơn rất nhiều người. Ông dành hẳn một gian phòng để làm nơi thờ Bác Hồ, đó cũng là nơi ông đọc truyện, viết sách về Bác.

 

Năm 1990, ông Vũ về nghỉ hưu với quân hàm đại tá, cái biệt danh thân mật “Vũ đại tá” bắt đầu được người dân Nhan Biều tặng cho ông từ đó. Ngay sau khi về hưu, việc đầu tiên ông Vũ nghĩ đến là lập bàn thờ và xây phòng thờ Bác Hồ.

 

“Hồi đó, tôi mới về phải sửa sang lại căn nhà cũ nên tạm thời tôi thờ Bác chung với bàn thờ tổ tiên, cha mẹ tôi. Năm 2006, tôi mới ổn định ổn định cuộc sống và cho xây phòng thờ Bác ngay. Sau đó, tôi chuyển tấm ảnh Bác đem về từ chiến trường, phóng to lên và đặt lên bàn thờ Bác để ngày ngày tôi thắp hương riêng cho Người” - ông Vũ kể lại.

 

Xây xong phòng, lập xong bàn thờ Bác, ông Vũ bắt  đầu đọc những câu chuyện về Bác và viết lại thành sách. Tài sản mà ông Vũ gom góp đến bây giờ là đống sách vở, tài liệu, tranh ảnh về Bác mà ông đặt mua, sưu tầm. Đặc biệt là tập sách dày 200 trang do ông viết ra. Tập sách do chính tay ông Vũ viết với những dòng chữ rất rõ ràng, rất đẹp được ông đóng bìa rất cẩn thận mà ông đang có ý định đặt tựa đề “Bốn mươi năm nhớ Bác”.
 
Mỗi ngày viết một câu chuyện về Người - 2
Cuốn sách vô giá của vị đại tá già.

 

“Tôi viết tập tài liệu này mới có mấy năm nhưng bốn mươi năm nay tôi luôn nhớ đến Người nên tôi muốn đặt tựa đề như vậy”, vị đại tá kể. Giở tập tài liệu ấy ra đọc, bất kỳ một người đọc khó tính nào cũng không khỏi ngạc nhiên, hết lời khen ngợi bởi những câu chuyện, những bài học do ông Vũ viết đều rất hay và hấp dẫn lòng người. Tập sách là tâm huyết, tình cảm quý giá của một người lính luôn hướng lòng mình theo tư tưởng của Bác, nhớ về Bác.

 

Căn phòng ông Vũ cho xây làm phòng thờ, đặt bàn thờ Bác rộng chừng hơn 15 mét vuông đặt một bộ bàn ghế để ông làm việc, đọc viết sách và để tiếp những ai muốn nghe ông kể chuyện về Bác. Căn phòng chỉ rộng chừng hơn 15 mét vuông. Ngay chính giữa gian nhà, ông Vũ trịnh trọng đặt tượng Bác Hồ (thay cho bức ảnh đã cũ nát), bên trên là lá cờ Tổ quốc có sao vàng năm cánh và hình ảnh búa liền  cùng dòng chữ Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh muôn năm. Hai bên phải trái là hai câu đối “Suốt đời hy sinh cho lý tưởng cộng sản” “Ra sức học tâp, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 

Chiếc lư hương luôn đầy ắp những đuôi nhang bởi ngày nào ông cung thắp hương khấn nguyện cho Bác và được ông thay cát mỗi tháng một lần. Trong căn phòng này, rất nhiều người đã được ông Vũ kể cho nghe hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện hấp dẫn và cảm động về Bác Hồ. Nhiều Đảng viên ở Nhan Biều đã được kết nạp tại đây, đứng đọc lời tuyên thệ dưới bàn thờ nghi ngút khói hương của Bác. Cả những cô cậu sinh viên ở Nhan Biều trước khi nhập học cũng đến đây đọc lời thề, thắp hương trước bàn thờ Bác.

 

Mỗi lần kỷ niệm ngày sinh hay ngày mất của Bác là ngôi nhà của ông Vũ luôn có rất đông người do ông mời đến hoặc tự đến để cùng ông tổ chức hát những bài hát, kể những câu chuyện về Bác Hồ. “Những dịp ấy, ông Vũ kể chuyện suốt ngày. Cứ nhắc đến chuyện về Bác, nói về Đảng là ông ấy nói cả ngày cũng không hết. Những lúc ấy ông vui vẻ, phấn khởi lắm chẳng thiết ăn, thiết uống gì cả chỉ nói chuyện đó cũng đủ… no rồi” -bà Lan, em gái ông Vũ kể.

 

Ông Vũ sẽ còn viết, còn kể mãi những câu chuyện, bài học về Bác Hồ đến khi nào không còn đủ sức nữa mới thôi. Nhưng có một điều mà ông luôn chắc chắn “Bác luôn sống mãi trong tôi, trong trái tim tôi”.

 

Văn Được

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm