1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mỗi ngày TPHCM tăng... 1.000 xe máy

(Dân trí) - Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM cho biết, phương tiện cá nhân ở TPHCM tăng nhanh trong khi chưa có giải pháp nào kéo giảm. Mỗi ngày TPHCM tăng 1.000 xe máy, 180 ô tô. Trong khi đó, theo Cục CSGT thì 80% TNGT do mô tô, xe máy gây ra.

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác đảm bảo an toàn giao thông 6 tháng đầu năm diễn ra hôm 28/6, Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM (ATGT) Nguyễn Ngọc Tường nhận định, mặc dù 8 năm liên tục thành phố này kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), nhưng tình hình TNGT 6 tháng đầu năm 2016 lại tăng cao số vụ, số người chết, số người bị thương có kéo giảm nhưng chưa đạt mục tiêu.

“Nguyên nhân là do phương tiện cá nhân của thành phố tăng nhanh trong khi chưa có giải pháp nào để kéo giảm. Mỗi ngày tăng 1.000 xe máy, 180 ô tô, tăng nhiều xe container; hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao...” - ông Nguyễn Ngọc Tường cho hay.

Xe máy tại TPHCM tăng nhanh trong khi chưa có giải pháp kéo giảm (ảnh: Đình Thảo)
Xe máy tại TPHCM tăng nhanh trong khi chưa có giải pháp kéo giảm (ảnh: Đình Thảo)

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia - cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn quốc xảy ra 10.227 vụ tai nạn, làm chết gần 4.400 người, làm bị thương hơn 8.900 người. So với cùng kỳ năm 2015 đã giảm ở cả 3 tiêu chí. Mặc dù TNGT đã được kiềm chế, TNGT tiếp tục giảm, tuy nhiên trong 6 tháng quá mục tiêu về tỷ lệ giảm số người chết vì TNGT chưa đạt được, đặc biệt số người chết vì TNGT trong tháng 5 và tháng 6 đều tăng so với cùng kỳ năm 2016.

Trên cả nước còn để xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng; chưa xử lý dứt điểm được hiện tượng chở quá tải trọng phương tiện trên đường bộ; xảy ra một số vụ TNGT đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản; xảy ra sự cố uy hiếp an toàn hàng không mức B tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất…

Xây dựng văn hóa nhường nhịn khi ra đường

Nhấn mạnh về tình hình TNGT, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an - đưa ra thông tin: Gần 80% TNGT là do mô tô gây ra, 20% là do ô tô. Vi phạm gây tai nạn chủ yếu là phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng rượu bia.

Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, nếu lực lượng CSGT chỉ tuần tra kiểm soát thì không xử lý xuể. Vì vậy, đề nghị trên các tuyến quốc lộ, đoạn nào hay xảy ra tai nạn thì xây giải phân cách giữa, thậm chí ở những điểm giao cắt có thể cắm biển “ STOP” như quốc tế để các phương tiện đi qua sẽ dừng lại quan sát trước khi đi tiếp…

Mặt khác, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho rằng, nên tăng cường hệ thống giám sát trên các tuyến quốc lộ, như máy đo tốc độ, camera ghi lại hình ảnh, để giảm bớt việc đưa lực lượng CSGT ra đường nhưng vẫn nâng cao hiệu quả xử phạt.

80% TNGT do mô tô, xe máy
80% TNGT do mô tô, xe máy

Đối với lượng lượng xử lý vi phạm trên đường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu “không để tình trạng vừa thổi còi đã gọi cho người quen hoặc dấm dúi đút lút, không ai được cai thiệp vào người đang làm nhiệm vụ. Cần thay đổi quan niệm về ứng xử, kiên quyết giữ gìn phẩm chất trong xử lý vi phạm. Có như vậy mới mong xử lý nghiêm vi phạm”...

Nói về vấn đề ý thức người tham gia giao thông, Phó Thủ tướng dẫn chứng về văn hóa của người Nhật. “Người Nhật ra đường nhường nhịn nhau từng chút một, còn ta ra đường chen nhau từng chút. Vì thế cần xây dựng văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, như văn hóa nhường nhịn, chấp hành nghiêm việc không lấn đường, vượt ẩu... Xây dựng văn hóa tốt trong giao thông là góp phần giảm thiểu TNGT” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để đạt được các mục tiêu giảm TNGT, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu tiếp tục thực hiện siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ và đường thuỷ nội địa, nhất là hoạt động vận tải hành khách; xử lý dứt điểm tình trạng chở hàng quá tải trọng quy định đối với xe ô tô và phương tiện thuỷ.

“Đặc biệt, trong năm 2016 phải có giải pháp trước mắt và cơ bản khắc phục xử lý dứt điểm các điểm đen thường xuyên xảy ra TNGT trên đường bộ; lập các đề án, dự án về tăng cường an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng đường bộ giai đoạn 2016-2020...” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Châu Như Quỳnh