1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Mỗi năm mất 50 tỷ đồng do ô nhiễm sông Sài Gòn

(Dân trí) - Để xử lý hết chất ô nhiễm trong nước sông Sài Gòn, cung cấp cho người dân TPHCM thì sắp tới, nhà máy nước Tân Hiệp buộc phải đầu tư thêm nhiều khâu mới, tăng giá thành nước, tổng cộng chi phí “đội” thêm là 50 tỷ đồng/năm.

Đó là kết quả nghiên cứu mới nhất của viện Nước & Công nghệ Môi trường (Viện N&CNMT) kết hợp cùng trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) và Đại học Bách khoa TPHCM thực hiện.

Theo GS-TS Lâm Minh Triết, Viện trưởng Viện N&CNMT, chất lượng nước sông Sài Gòn, nhất là tại vùng nước thô (vùng nhà máy nước Tân Hiệp thu nước để xử lý thành nước sạch cung cấp cho người dân TPHCM) diễn biến thất thường theo chiều hướng xấu.

TS. Triết khẳng định: “Những chỉ tiêu ô nhiễm đặc thù như: Amoniac, độ đục, BOD, Mn, Fe, Coliform… đều vượt tiêu chuẩn của nguồn nước loại A- nguồn phục vụ cho mục đích cấp nước”.

Viện N&CNMT đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của việc nước sông Sài Gòn ngày càng ô nhiễm đối với hoạt động của nhà máy nước Tân Hiệp và kết luận: các chỉ tiêu ô nhiễm của nước sông Sài Gòn gây ảnh hướng xấu đến quá trình xử lý nước, phải tốn nhiều hóa chất hơn để làm sạch nước…

Hiện nhà máy nước Tân Hiệp đã phải sử dụng nhiều biện pháp tình thế để xử lý nước tốt hơn như: bổ sung hóa chất, ký hợp đồng với công ty khai thác thủy lợi hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn khi độ mặn trong nước tăng cao, tăng cường theo dõi chất lượng nước…

Thế nhưng, nhiều lúc độ mặn nước sông tăng cao đến nỗi không thể lấy nước để xử lý dẫn đến thiếu nước cục bộ do công suất giảm. Viện N&CNMT đã đề xuất hai phương án xử lý: một là cải tiến công nghệ xử lý, hai là tìm nguồn nước thay thế.

Với biện pháp cải tiến công nghệ, nhà máy nước Tân Hiệp phải xây dựng thêm hai khâu xử lý nước: lọc bằng bể cát hai lớp và lọc bằng than hoạt tính. Như vậy sẽ phải xây dựng thêm nhiều bể lọc (chi phí 150 tỷ đồng), đầu tư thiết bị mới (50,7 tỷ đồng) và chi phí bảo dưỡng hàng năm là 30 tỷ đồng. Tính bình quân thì mất 50 tỷ đồng/năm và mỗi m3 nước sạch người dân phải chi thêm 456 đồng.

Tuy nhiên, điều đó vẫn không đảm bảo là sẽ xử lý nước đạt chuẩn nếu mức độ ô nhiễm sông Sài Gòn ngày càng cao. Cho nên, biện pháp thứ 2 được đề xuất là tìm nguồn nước thay thế và nguồn nước tốt nhất là di dời cửa lấy nước lên phía hồ Dầu Tiếng. Với phương pháp này, nhà máy nước Tân Hiệp phải đầu tư 2.900 tỷ đồng, trung bình mỗi năm mất 211 tỷ đồng - còn tốn kém hơn nhiều.

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm