1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mỗi năm ĐBSCL đón 350 tỷ m3 nước nhưng vẫn hạn hán là "vô lý"!

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trung bình mỗi năm ĐBSCL đón 350 tỷ m3 nước, nhưng chỉ dùng hết 20 tỷ m3. Vậy mà khu vực này vẫn thường xuyên xảy ra thiếu nước là "vô lý".

Chia sẻ về câu chuyện hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Bình quân mỗi năm ĐBSCL đón 350 tỷ m3 nước, trong đó 2/3 là từ nước ngoài đổ về. Trong 1 năm, khu vực này chỉ dùng hết khoảng 20 tỷ m3 nước, nhưng lại thường xuyên xảy ra thiếu nước.

Mỗi năm ĐBSCL đón 350 tỷ m3 nước nhưng vẫn hạn hán là vô lý! - 1

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.

Về nguyên nhân ĐBSCL thiếu nước, ông Hiệp cho biết: "Lý do thiếu nước là do thời tiết cực đoan. Như năm nay, do thời tiết cực đoan, ngay thượng nguồn sông Mekong không có mưa và các nước thượng nguồn sông Mekong cũng bị hạn như đồng bằng sông Cửu Long. Thứ hai là biến đổi khí hậu và nước biển dâng, năm nay triều cường lên quá cao, dẫn đến xâm nhập mặn, từ đó thiếu nước ngọt".

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, ĐBSCL thường thiếu nước từ tháng 12 đến tháng 4, không phải lúc nào cũng thiếu, chính vì thế phải có các giải pháp điều tiết đảm bảo an ninh nguồn nước cho khu vực này.

Bộ NN&PTNT sẽ cùng với các tỉnh khu vực ĐBSCL, các nhà nghiên cứu tìm các giải pháp đầu tư trên tinh thần những công trình nào đảm bảo "không hối tiếc" thì làm trước.

"Còn những công trình nào khi làm có thể gây ra những tác động ảnh hưởng thì chúng ta phải tính toán cụ thể và đầu tư sau", Thứ trưởng Hiệp nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, sau hạn đợt hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục vào năm 2015-2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt và đã có nghiên cứu để đầu tư xây dựng 11 công trình; trong đó 5 công trình đã đưa vào sử dụng sớm trước từ 5 đến 14 tháng.

Về trung hạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT đang bàn với các tỉnh sẽ tập trung đầu tư các hệ thống thuỷ lợi liên vùng, mang tính động lực để góp phần vào việc tái cơ cấu nông nghiệp và đảm bảo khắc phục được tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.

Mỗi năm ĐBSCL đón 350 tỷ m3 nước nhưng vẫn hạn hán là vô lý! - 2

Hạn, mặn trên ruộng lúa của người dân ở ấp Tân Quy A, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Phạm Tâm).

Dự kiến ngân sách nhà nước bỏ ra khoảng 30.000 tỷ đồng để đầu tư cho các công trình trên. Ngoài ra Bộ NN&PTNT đang bàn với một số định chế tài chính nước ngoài, ví dụ như World Bank, ADB để có một số nguồn vốn vay, đặc biệt là tập trung vào nguồn nước sạch cho ĐBSCL, để lập tức trong vòng hai năm tới giải quyết được câu chuyện thiếu nước sinh hoạt.

Về tình hình hạn hán ở miền núi phía Bắc, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, ông Hiệp cho biết: Đối với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm nào cũng bị hạn do địa hình dốc nên nước về thì tất cả lại đều đổ ra biển rất nhanh.

Để giữ được nước, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên phải có các hồ chứa nước với dung tích rất lớn. Hiện nay, khu vực này đang tiến hành xây dựng các hồ thủy lợi và sẽ vận hành theo quy trình liên hồ chứa để điều tiết nguồn nước cho phù hợp, hạn chế hán hán.

"Nam Trung Bộ và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên ảnh hưởng hạn hán chưa lớn, nhưng Tây Nam Bộ lại thường xuyên xảy ra. Hiện nay Bình Thuận hạn nhất. Ninh Thuận sau khi hạn hán lập kỷ lục vào năm 2015, Bộ NN&PTNT đã cùng với tỉnh làm rất nhiều các công trình thuỷ lợi lớn và đến thời điểm này Ninh Thuận là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng hạn hán ít", Thứ trưởng Hiệp cho biết.

Nguyễn Dương