Mỗi lần vi phạm giao thông, tài xế sẽ bị... trừ điểm trên bằng lái?
(Dân trí) - Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (PC67), Công an TP Hà Nội mới đưa ra kiến nghị thu bằng, đình chỉ lái xe vĩnh viễn nếu tài xế vi phạm giao thông nghiêm trọng, đồng thời kiến nghị cấp giấy phép lái xe phải kèm theo số điểm, nếu vi phạm giao thông sẽ bị trừ điểm, bị trừ hết điểm tài xế sẽ phải học lại từ đầu.
Theo lãnh đạo PC67 Hà Nội, kiến nghị này nhằm siết chặt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước đối với việc cấp giấy phép lái xe (GPLX), kiểm soát việc lái xe của những tài xế vi phạm giao thông.
PC67 Hà Nội kiến nghị việc cấp GPLX cho công dân sẽ do Bộ Công an chủ trì. Khi đào tạo, sát hạch và cấp GPLX phải kèm theo điểm của GPLX đó để nếu vi phạm giao thông sẽ bị trừ điểm trên GPLX đó.
“Vi phạm giao thông càng nghiêm trọng thì số điểm trừ đi càng nhiều, nếu trừ hết điểm thì phải học lại từ đầu và thi lấy GPLX mới, với trường hợp nghiêm trọng thì phải đình chỉ lái xe vĩnh viễn” - lãnh đạo PC67 Hà Nội cho hay.
Cùng đó, chỉ cấp GPLX thời hạn 5 năm thay vì 10 năm như hiện nay, sau 5 năm phải thực hiện đổi GPLX. Giải thích về việc này, lãnh đạo PC67 Hà Nội cho rằng: Thời hạn 10 năm GPLX có hiệu lực, nhưng trong 10 năm khó kiểm soát được tình trạng sức khỏe, năng lực lái xe của người sở hữu GPLX.
Theo một thống kê không chính thức, hiện nay cơ quan Cảnh sát giao thông toàn quốc đang giữ khoảng 220.000 GPLX do vi phạm giao thông và GPLX giả, tuy nhiên người sở hữu GPLX đã “bỏ” không đến xử lý vi phạm.
Được biết, hiện nay nhiều nước trên thế giới việc đào tạo, sát hạch và cấp GPLX do Bộ Công an chủ trì, việc này nhằm quản lý chặt chẽ về GPLX gắn với phương tiện cá nhân của người sở hữu GPLX. Trong khi đó, ở Việt Nam Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ trì đào tạo, sát hạch và cấp GPLX.
Nói về tình trạng tài xế báo mất GPLX rồi xin làm mới đang gia tăng, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - thừa nhận: “Nhiều tài xế sau khi vi phạm bị Cảnh sát giao thông giữ giấy phép lái xe đã đến các Sở Giao thông vận tải báo mất và được làm lại bằng lái mới”.
Theo ông Huyện, Tổng cục Đường bộ sẽ đề nghị Cục Cảnh sát giao thông cung cấp dữ liệu về các tài xế vi phạm giao thông bị thu giữ bằng lái, chờ xử phạt. Dữ liệu này sẽ được chuyển đến tất cả các Sở Giao thông vận tải trong cả nước. Khi đó, tài xế vi phạm giao thông phải hoàn thành xong nghĩa vụ nộp phạt mới được nhận lại GPLX chứ không thể đi làm lại GPLX khác.
Ông Huyện nhấn mạnh, vấn đề này sẽ được Tổng cục Đường bộ và Cục Cảnh sát giao thông “siết” chặt trong thời gian tới.
Châu Như Quỳnh