1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Mỗi khi có sự cố trong bộ máy, chúng ta lại giật mình”

(Dân trí) - 10 bản tham luận được trình bày trong ngày làm việc thứ hai của đại hội (19/4) đã đề cập đến những vấn đề bức xúc và yêu cầu, đòi hỏi phải đổi mới. Tuy nhiên, theo nhận xét của Chủ tọa buổi tham luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An "các tham luận còn ít tính tranh luận".

Có dân chủ trong đảng mới có dân chủ thực sự trong dân

 

Đại biểu Nguyễn Văn Sáu, đại biểu khối tư tưởng trình bày tham luận “Hình thức con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” đề cập đến sự cần thiết phải có quan niệm mới về CNXH.

 

Ông nhấn mạnh vào thời điểm này, xây dựng CNXH là xây dựng đảng cầm quyền thực sự trong sạch: “Năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị và sức chiến đấu của đảng là cực kỳ quan trọng và hệ trọng, đảng phải tỏ rõ điều đó bằng cách giữ vững khối đoàn kết nhất trí trong đảng, trong dân, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, đẩy lùi tệ quan liêu tham nhũng, khôi phục uy tín của đảng và niềm tin yêu của dân đối với đảng”.

 

Liên quan đến công tác xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, bản tham luận của đại biểu Phạm Thế Duyệt khẳng định cần làm cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thức được rằng sự gắn bó giữa đảng với nhân dân hiện nay là yếu tố sống còn của đảng, sự tồn vong của chế độ: “Tổng kết thực tiễn 20 năm vừa qua cho thấy, ở đâu có đoàn kết, ở đó có dân chủ, ở đâu thiếu dân chủ, ở đó mất đoàn kết. Vì vậy, tôi đề nghị cần thực hiện tốt hơn công tác tập trung dân chủ trong đảng vì chỉ khi dân chủ trong đảng thực hiện tốt mới có dân chủ thực sự trong dân”.

 

Cải cách hành chính đang tụt hậu

 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung, đoàn Quảng Ninh trong bài tham luận của mình đã tập trung nêu rõ những yếu kém và sự cần thiết phải đổi mới mạnh mẽ trong cải cách hành chính.

 

Ông khẳng định, mặc dù trong nhiệm kỳ đại hội IX, Chính phủ đã ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2006-2010 và mặc dù  sau 5 năm thực hiện cải cách hành chính, đã làm được khá nhiều việc nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cải cách hành chính còn chậm, hiệu quả thấp, thể chế cải cách còn nhiều bất cập, chưa hình thành được hệ thống hành chính đồng bộ, bộ máy còn cồng kềnh, dấu ấn của cơ chế xin cho còn khá nặng nề, thủ tục hành chính gây trở ngại cho nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một bộ phận không nhỏ công chức còn yếu kém về nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, tệ tham nhũng, quan liêu, cửa quyền là nghiêm trọng.

 

Ông Trung nhận định: “Những yếu kém và tiêu cực ấy đã làm giảm lòng tin của dân vào cơ quan hành chính nhà nước. Nhìn tổng thể, nền hành chính của ta có nguy cơ tụt hậu, và tụt hậu xa hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới”.

 

Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do “chúng ta chưa nhận thức và cải cách hành chính một cách đầy đủ và kiên quyết. Cấp ủy đảng và những người đứng đầu chính quyền chưa làm hết trách nhiệm về cải cách hành chính từ trung ương đến cơ sở”, ông Trung nói. 

 

Ông cũng đề xuất 6 biện pháp cải cách hành chính với những nội dung chủ yếu là tổ chức đảng làm đúng trách nhiệm lãnh đạo, tạo điều kiện cho cơ quan hành chính phát huy trách nhiệm cả trong công việc và nhân sự; phân cấp quản lý rõ ràng, qui định cụ thể về thẩm quyền và trách nhiệm, làm rõ vấn đề ai đúng, ai sai, sai đến đâu trong thực hiện từng nhiệm vụ được giao; làm rõ chức trách, nhiệm vụ của từng công chức, viên chức đặc biệt là của người đứng đầu; tiếp tục cải cách tiền lương với bước đi mạnh hơn, đảm bảo cán bộ công chức, viên chức sống được bằng lương, nuôi được gia đình; công khai, minh bạch công tác quản lý…

 

“Cả xã hội đang trông chờ hoạt động cải cách hành chính”, ông kết luận.

 

 

6 giải pháp cải cách hành chính của Bộ trưởng Nội vụ Đỗ Quang Trung

 

1- Tổ chức đảng làm đúng trách nhiệm lãnh đạo

 

Xây dựng cho được sự nhất quán giữa thể chế của cả hệ thống chính trị với thể chế nhà nước trong đó có thể chế hành chính. Tổ chức đảng làm đúng trách nhiệm lãnh đạo, tạo điều kiện cho cơ quan hành chính phát huy trách nhiệm trong quản lý nhà nước cả về công việc cũng như nhân sự.

 

Cải cách hành chính phải được đặt trong tổng thể cải cách của hệ thống, trong đó quan trọng là đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của đảng đối với nhà nước, đây là điều hết sức quan trọng.

 

2- Qui định rõ thẩm quyền, trách nhiệm

 

Làm rõ và điều chỉnh chức năng của các cơ quan trong hệ thống  hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. Đã có kết quả tích cực trong việc phân cấp quản lý, nhưng như thế chưa đủ, mỗi khi có sự cố trong bộ máy, chúng ta lại giật mình nghĩ về tổ chức, chức năng, vai trò của các cơ quan quản lý hành chính.

 

Các vụ án đang xử lý ở Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT, Bộ Thương mại và ở một số tổng công ty nhà nước cho thấy sự không rõ ràng của cơ quan quản lý nhà nước đối với DNNN trực thuộc, sự dai dẳng của cơ chế xin cho, sự lẫn lộn của chức năng quản lý, sự buông lỏng  kiểm tra, thanh tra. Không thể để tình trạng này quá lâu mà không có câu trả lời. Rất nhiều đồng chí bộ trưởng và chủ tịch tỉnh mong mỏi được qui định cụ thể về thẩm quyền và trách nhiệm, làm rõ vấn đề ai đúng, ai sai, sai đến đâu trong thực hiện từng nhiệm vụ được giao? Điều này có thể làm được không? chắc là làm được.

 

Và chúng ta phải thay đổi về cách làm, lâu nay  bàn về chức năng, nhiệm vụ của bộ thông thường chỉ có cơ quan quản lý hành chính ngồi bàn với nhau, các doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ công, các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức xã hội… có mấy khi được tham gia vào công việc đó. Hãy để một doanh nghiệp nhà nước, một trường đại học, một viện nghiên cứu, một doanh nghiệp tư nhân liệt kê ra bao nhiêu việc phải trình lên để cơ quan nhà nước quyết, đồng ý, phê duyệt… chắc chắn danh mục liệt kê sẽ buộc chúng ta phải suy nghĩ.

 

3- Làm rõ chức trách, phận sự của công chức và  trách nhiệm của người đứng đầu

 

Phải định rõ công việc của từng công chức, viên chức, xây dựng lại tiêu chuẩn cán bộ công chức, qui định chuẩn chế độ công vụ, trách nhiệm và đạo đức công vụ. Tăng cường kỷ cương hành chính và  đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Khắc phục tình trạng bình bầu, đánh giá công chức chung chung, kết luận số đông hoàn thành công việc trong khi công việc còn nợ cấp trên, doanh nghiệp, nhân dân còn kêu ca, phàn nàn…

 

4-  Công chức, viên chức phải sống được bằng lương

 

Cải cách tiền lương với bước đi mạnh hơn, cán bộ công chức, viên chức sống được bằng lương, nuôi được gia đình. Chúng ta ai cũng biết rõ lương công chức hiện nay chưa đủ mức cần thiết, chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào vấn đề này để có giải pháp đúng. Bên cạnh động cơ và lý tưởng phải có tiền lương thỏa đáng, đủ nuôi sống gia đình.

 

Đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu. Giảm biên chế là việc khó khăn, phức tạp nhưng nếu chúng ta không kiên quyết sẽ khó có thể nâng cao chất lượng đội ngũ. Những người đủ năng lực, phẩm chất phải được hưởng lương xứng đáng để họ an tâm cống hiến. Không giải quyết vấn đề lương sẽ thiếu đi một điều kiện quan trọng để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

 

5- Công khai, minh bạch công tác quản lý

 

Công khai, minh bạch công tác lãnh đạo, quản lý, làm tốt thanh tra, kiểm tra công vụ. Khắc phục  tình trạng nể nang, né tránh, không dám đấu tranh, khắc phục tình trạng những tiêu cực, sai phạm được phát hiện  chủ yếu  bởi các cơ quan bên ngoài.

6- Tăng cường công tác chỉ đạo

Cần sự chỉ đạo sát sao để thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính. Làm rõ trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy trong công cuộc cải cách hành chính.

 

 

Đức Hòa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm