1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Mỗi cuộc thanh tra là một cuộc sát hạch cán bộ"

"Chúng tôi coi những cuộc thanh tra kinh tế, xã hội lớn và việc giải quyết khiếu tố là kỳ sát hạch để đánh giá, sắp xếp lại cán bộ. Qua kết quả giải quyết khiếu kiện sẽ biết được bản lĩnh của các cán bộ đến đâu, làm việc tốt không...", Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền tâm sự.

Sẽ khen thưởng, kỷ luật sau mỗi cuộc thanh tra

Thưa ông, sau gần 1 tháng nhậm chức, việc gì khiến ông thấy hài lòng và điều gì khiến ông trăn trở nhất?

Thời gian được bổ nhiệm làm Tổng Thanh tra Chính phủ tuy được khoảng 1 tháng nhưng thực tế tôi nhận nhiệm vụ mới được khoảng 2 tuần. Khi tôi về đây, một số bạn bè gọi điện chia sẻ vì Thanh tra Chính phủ đang có chuyện. Báo chí, công luận nhìn nhận thanh tra “xám quá”. Nhưng, điều làm tôi rất mừng là công việc ở đây không bị ngưng trệ mà trái lại, đang có nhiều chuyển biến, trôi chảy. Khi được giao nhiệm vụ, cán bộ thanh tra có tinh thần hợp tác, đã chủ động triển khai khá nhanh, quyết tâm hoàn thành.

Về lực lượng, Thanh tra Chính phủ lúc này không thiếu nhưng còn nhiều mặt cần phải thay đổi, chấn chỉnh. Trăn trở lớn nhất của tôi vẫn là vấn đề kiện toàn công tác tổ chức cán bộ, nội bộ, con người. Chính vì vậy, ngay khi nhận nhiệm vụ, ban lãnh đạo chúng tôi đã tập trung chấn chỉnh nội bộ như: bàn bạc đưa ra quy chế đoàn thanh tra, quy tắc, quy định ứng xử khi thi hành nhiệm vụ, phân công phân nhiệm lãnh đạo rõ ràng... Đồng thời, chúng tôi yêu cầu các đoàn thanh tra phải kịp thời báo cáo kết quả, tiến độ thanh tra để sớm giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Công tác cán bộ ở Thanh tra Chính phủ còn nhiều tồn tại, ông có cách giải quyết gì khi thời gian thì hạn hẹp, tiến độ thanh tra nhiều dự án đang rất chậm?

Chúng tôi hiện có 25 cuộc thanh tra lớn, có những cuộc đã làm 2 năm nhưng do trưởng đoàn dính dáng vào tiêu cực nên bị trì trệ. Hiện nay đã kết thúc được 5 cuộc, 6 cuộc khác sắp xong, còn 14 cuộc nữa dự kiến sẽ kết thúc tháng 8 này. Riêng thanh tra ngành hàng không sẽ kết thúc vào tháng 9. Còn 5 cuộc thanh tra theo yêu cầu của Thủ tướng (thanh tra các dự án của Bộ GTVT liên quan đến PMU18) có lẽ phải đến gần cuối năm mới xong, vì đây là những dự án có vốn lớn, hàng chục ngàn tỷ đồng.

Sắp tới, việc đánh giá lại năng lực cán bộ sẽ căn cứ vào tiêu chí nào?

Chúng tôi coi những cuộc thanh tra kinh tế, xã hội lớn và việc giải quyết khiếu tố là kỳ sát hạch để đánh giá, sắp xếp lại cán bộ. Qua kết quả giải quyết khiếu kiện sẽ biết được bản lĩnh của các cán bộ đến đâu; trách nhiệm của từng đoàn thanh tra ra sao, làm việc tốt không, có làm đến nơi đến chốn không… Mặt khác, kết thúc mỗi cuộc thanh tra, giải quyết khiếu tố, sẽ có đánh giá để khen thưởng nếu làm tốt. Ngược lại, sẽ rút kinh nghiệm và bị chế tài xử lý rõ ràng.

Cuối năm, khi căn bản kết thúc 25 cuộc thanh tra nói trên, lúc đó lãnh đạo sẽ ngồi lại kiểm điểm, đánh giá và sắp xếp lại cán bộ.

Loại khỏi ngành những cán bộ trục lợi

Có tình trạng, việc thanh tra này thuộc lĩnh vực của vụ này nhưng vụ khác lại được giao đi thanh tra, làm nảy sinh nghi ngờ tiêu cực, phe cánh...

Chúng tôi đang xây dựng đề án tổng thể để rà soát lại chức năng nhiệm vụ, con người ở từng vụ, từng bộ phận. Việc này phải làm tổng thể, không thể thấy đâu làm đó. Song cũng không vì thế mà chậm sắp xếp. Phải đánh giá lại, xác định lại mô hình tổ chức như thế nào cho hợp lý để quán xuyến lại. Phải có những vụ phụ trách lĩnh vực để làm chuyên sâu.

Trường hợp một số cán bộ đương nhiệm có tai tiếng, quan điểm xử lý của ông thế nào?

Xử lý nghiêm, nhưng phải xem xét thấu đáo từng trường hợp. Có khi sai sót là do cơ chế, do thiếu trách nhiệm; hành vi vụ lợi cũng có… Tinh thần chung là kiểm điểm tự phê bình đối với tất cả cán bộ trong cơ quan. Riêng những trường hợp có tai tiếng sẽ phải làm bản kiểm điểm và sẽ tập trung xử lý những trường hợp này trước.

Vậy các cán bộ sai phạm liên quan đến vụ dầu khí đã được xử lý như thế nào?

Có 3 người là phó vụ trưởng đã bị tạm giam. Anh Trần Quốc Trượng thì bị đình chỉ công tác. Trong trách nhiệm của anh Trượng có liên quan một phần trách nhiệm của anh Quách Lê Thanh. Số anh em nhận tiền, cơ quan điều tra nói có 4 người. Chúng tôi đã gửi văn bản và 2 lần cử cán bộ sang đề nghị cung cấp danh sách để có căn cứ xử lý, nhưng cơ quan điều tra chưa cung cấp. Tất nhiên, chúng tôi cũng đã nghe và biết, nên cũng yêu cầu 4 đồng chí này kiểm điểm rồi.

Những cán bộ “có vấn đề”, có nên tiếp tục để trong ngành thanh tra?

Chúng tôi sẽ xử lý nhưng phải xét đến việc vi phạm là do chủ quan hay khách quan. Chủ quan xử lý khác, khách quan xử lý khác. Cái chủ quan cũng cần phải xác định là do trình độ năng lực hay do bối cảnh dẫn đến việc bất khả kháng. Nhưng nếu có việc lợi dụng chức vụ để trục lợi thì chúng tôi kiên quyết không để làm việc tiếp trong ngành thanh tra.

Xin cảm ơn ông!

Theo Sài Gòn Giải Phóng