1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mời bác sĩ đến học rửa tay

Vừa qua, buổi lễ phát động Tuần lễ rửa tay sạch tại Bệnh viện Nhi TƯ đã như một ngày hội khám phá. Nhiều bác sĩ, y tá và hộ lý phát hiện ra rằng họ chưa hề biết rửa tay đúng cách.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: “Rửa tay là việc đơn giản, cổ điển nhất và cũng là hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm”. Quy trình rửa tay Bộ Y tế ban hành năm 1996 có 7 bước, được niêm yết công khai tại các bệnh viện (BV), nhưng trong số 300 cán bộ nhân viên y tế BV Nhi TƯ có mặt tại lễ phát động, không ai trả lời đúng.

 

Tham gia giám sát thực hành rửa tay tại chỗ, bác sĩ Nguyễn Văn Lộc - Phó Giám đốc BV Nhi TƯ - nhận xét: “Nhiều người thao tác chưa đúng”.

 

Theo một kiểm tra ngẫu nhiên của BV Chợ Rẫy (TPHCM) với 77 nhân viên y tế vào năm 2001, trung bình trên bàn tay 1 hộ lý có tới hơn 481.000 vi khuẩn, bàn tay bác sĩ có hơn 275.000 vi khuẩn, nhóm điều dưỡng “khiêm tốn” nhất cũng là gần 127.000 con vi khuẩn.

 

Nhắc lại đợt dịch SARS, thạc sĩ Trần Đức Mục - Phó Vụ trưởng Vụ Điều trị, Bộ Y tế - dẫn chứng: “50% số bệnh nhân SARS là nhân viên y tế, nếu thời điểm đó biết được cơ chế lây của bệnh thì chỉ cần rửa tay thường xuyên đúng cách và đeo khẩu trang là có thể phòng bệnh”.

 

Tiếp tục dẫn chứng, ông Mục cho hay: “Chỉ có khoảng 13% số nhân viên y tế ở VN rửa tay thường xuyên đúng cách. Khi quan sát ở căngtin, chúng tôi nhận thấy, họ thường chỉ vệ sinh tay sau khi ăn, điều này mới chỉ bảo vệ cho họ, chứ chưa bảo vệ cho bệnh nhân”. 

 

Bộ Y tế và Quỹ Unilever VN đã quyết định từ nay đến cuối năm 2007 phát động một chiến dịch trong nhân viên y tế, làm điểm ở 13 BV, gồm: BV Nhi TƯ, BV Gang thép Thái Nguyên, Đồng Hưng (Thái Nguyên), BV Đa khoa Phú Thọ, BV E... Sau đó, mở rộng ra toàn quốc. Mục đích là để tạo một thói quen tưởng chừng như đã xưa mà lại mới: Rửa tay thường xuyên, trước và sau khi thăm khám bệnh nhân.

 

Còn tại BV Nhi TƯ, để việc rửa tay đi vào thực tế, từ 24 - 30/7, BV sẽ thành lập ban giám sát thường xuyên kiểm tra tại các phòng ban, đặc biệt là tại những phòng bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao như Hồi sức cấp cứu, khoa Lây, Hô hấp.

 

Theo Quang Duy

Lao Động