1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận Di sản ký ức thế giới

(Dân trí) - UNESCO vừa chính thức công nhận mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên - Yên Dũng - Bắc Giang) là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012.

Ông Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Giang, cho biết: Trong kỳ họp của Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Bangkok - Thái Lan từ 14-16/5, mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đã được công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận Di sản ký ức thế giới
Kho mộc bản kinh Phật vô giá tại chùa Vĩnh Nghiêm đã được công nhận là di sản ký ức thế giới.

Với 100% số phiếu ủng hộ, bằng chứng nhận mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản ký ức thế giới đã được đại diện UNESCO trao cho ông Phạm Cao Phong - Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam. Bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận dựa trên ba tiêu chí là tính xác thực, tính độc đáo không thể thay thế và vị trí vai trò trong khu vực.

Những bộ ván kinh chùa Vĩnh Nghiêm có từ 700 năm nay, là kho sách cổ vô cùng quý giá như: Sa di tăng sa di tì tỉ khiêu ly (348 giới luật), bộ Yên Tử nhật trình từ thế kỷ 15 (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ sao, Đại thừa chí quán, Giới kinh ni... do các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm ở chùa Vĩnh Nghiêm cho khắc tạc từ những năm giữa thế kỷ XVIII (triều vua Lê Cảnh Hưng) đến đầu thế kỷ XX.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận Di sản ký ức thế giới
Đại diện UNESCO trao Bằng chứng nhận Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản ký ức thế giới cho ông Phạm Cao Phong, Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam(Ảnh: Báo Bắc Giang)

Hiện nay, kho mộc thư vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3.000 bản khắc bằng loại gỗ thị. Mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2.000 chữ Nôm, chữ Hán. Người xưa chọn gỗ thị để tạc chữ bởi đây là loại gỗ trắng, thớ gỗ mịn lại ít cong vênh. Khi gỗ còn tươi rất mềm, khi khô lại trở nên dai bền hiếm có. Vì vậy mà các nghệ nhân xưa đã khắc ngay khi gỗ mới được xẻ thành ván

Hơn 3.000 mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm thể hiện tư tưởng, giáo lý của Thiền viện Trúc Lâm được lưu khắc hết sức rõ nét và mang đậm bản sắc dân tộc cùng những giá trị nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, nhiều mộc bản được khắc bằng chữ Nôm, loại văn tự của người Việt.

Như vậy, cho tới nay Việt Nam đã có ba di sản tư liệu được UNESCO công nhận là bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mộc bản Triều Nguyễn và bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.

Thế Cường