1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Mở vòng tay đón con em nạn nhân bão Chanchu đến trường

(Dân trí) - Cơn bão Chanchu ngoài khơi xa đã để lại hậu quả nặng nề về người và của cho bà con suốt dọc dài vùng biển miền Trung. Cùng lúc đó, một “cơn bão” khác, ngấm ngầm nhưng không kém mãnh liệt đã và đang diễn ra trong các gia đình nạn nhân. Năm học mới bắt đầu, các em nhỏ lại canh cánh nỗi lo đến trường.

Sau bão, nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay, kinh tế kiệt quệ khi những trụ cột đã ra đi cùng bão. Bão Chanchu đang nhấn chìm đường đến trường của nhiều em nhỏ. Giữa lúc các em đang tột cùng đau khổ, Bộ GD-ĐT quyết định đặc cách tốt nghiệp THPT khi ngày thi đã cận kề là một quyết định hợp lòng người.

 

Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng đã linh động, mềm dẻo trong vận dụng quy chế, đặc cách cho những học sinh con em người bị nạn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, xếp các em vào học ở trường công lập, tạo điều kiện tối đa cho các em đến trường. Ngành giáo dục ở các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đang có kiến nghị chính quyền miễn giảm học phí và các khoản đóng góp cho các em.

 

Các tổ chức xã hội, các ban ngành, đoàn thể và cơ quan báo chí... cũng vào cuộc với những suất học bổng hay bảo trợ dài hạn với một mục đích duy nhất là “tiếp lửa” cho các em đến trường. Ngay trong hè, thầy cô giáo ở những trường mà các em đang học tập cũng luôn ở bên cạnh, thăm hỏi, động viên các em ổn định tư tưởng, vượt qua nỗi mất mát để đến trường.

 

Để duy trì tâm lý gần gũi với trường lớp, giúp các em củng cố kiến thức, các trường học đã mở lớp phụ đạo dành cho những học sinh có học lực trung bình và yếu trong dịp hè. Các trường Trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng cũng có chính sách miễn học phí suốt cả khoá học cho học sinh là con em nạn nhân bão Chanchu.

 

Gần một trăm ngày sau “đại tang làng cát”, chúng tôi trở lại Bình Minh (Thăng Bình - Quảng Nam) trước thềm năm học mới. Không khí đau thương vẫn bao trùm khắp các nẻo đường làng qua các thôn Bình Tịnh, Bình Tân, Tân An, Hà Bình. Những giọt nước mắt vẫn nghẹn ngào nuốt vội, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, những goá phụ đã nói nhiều về chặng đường dài trước mắt, về chuyện ăn học của con cái.

 

Chị Hoàng Thị Nguyệt - một nách 6 đứa con nhỏ mắt ầng ậc nước khi nhắc đến cháu Trần Thị Nga (lớp 8): “Tui rứt ruột cho cháu ra ở làng Hy vọng (Đà Nẵng). Cháu cứ rấm rứt khóc, nhất quyết không đi. Nhưng nói mãi rồi cháu cũng phải nghe. Ở nhà, cháu cũng đỡ đần được việc nhà để tui chạy chợ. Nhưng còn tương lai của cháu, thất học là mờ mịt luôn. Lúc còn sống, ước mơ của ảnh là cho các con ăn học đến nơi đến chốn, có khổ mấy cũng ráng chịu. Ra ngoài đó, cháu còn được cho ăn học”.

 

Khi nghe tin dữ của cha ở ngoài khơi xa, em Trần Văn Tài - đứa con cả của chị Nguyệt - đã mím chặt môi, quả quyết với chúng tôi rằng em sẽ thi đỗ vào lớp 10 trường công lập để an ủi vong linh ba và làm chỗ dựa cho cả gia đình. Và Tài đã đỗ vào trường THPT Nguyễn Thái Bình với số điểm rất cao. Vào năm học mới này, cũng như những học sinh là con em người bị nạn trong cơn bão số 1, chuyện sách vở, bút mực, áo quần... của anh em Tài đã được chính quyền và nhà trường hỗ trợ.

 

Em Nguyễn Thị Thí (học sinh lớp 9, trường THCS Phan Đình Phùng) đã nghĩ ngay đến chuyện thôi học để phụ giúp mẹ khi hung tin của cha. Gánh nặng mưu sinh để nuôi 3 đứa con còn nhỏ dại (em Nguyễn Văn Vũ đang học lớp 6, bé Nguyễn Thu Thảo mới 20 tháng tuổi) chuyển từ vai cha sang vai mẹ, vốn đã đau ốm triền miên. Nhưng rồi chị em Thí đã nhận được sự sẻ chia và động viên cả về vật chất lẫn tinh thần để tiếp tục vững bước đến trường.

 

Cũng như Thí, Tài... những ngày đầu khi nghe tin thảm nạn bão Chanchu, con đường đến trường của con em gia đình ngư dân nghèo gặp nạn vốn đã lắm chông gai dường như cũng bị quét ngang bởi cơn bão dữ. Trước đây, từng hạt muối, hạt gạo, tiền trang trải học hành của các em được góp nhặt từ những chuyến đi biển đầy hiểm nguy và bất trắc của người cha, người anh.

 

Chị Nguyễn Thị Phượng (phường Thanh Khê Đông - Thanh Khê - Đà Nẵng) vợ của ngư phủ Trần Văn Quang - mất tích trong cơn bão số 1 cho biết: “Tui bây chừ một nách bốn đứa con dại đang tuổi ăn tuổi học. Bằng mọi giá tui cũng phải lo cho các cháu đến trường. Để các cháu thất học là có tội với vong hồn anh ấy, cũng là phụ tấm lòng của bà con xa gần đã giúp mẹ con tui qua cơn ngặt nghèo”.

 

Năm nay, cô con gái đầu của chị Phượng - cháu Trần Thị Mai An vào lớp 10 trường THPT Thái Phiên. Chín năm học liền, cô lớp trưởng Mai An đều là học sinh giỏi. Em Trần Thị Xuân Thu - em gái An sẽ bước vào lớp 6, bé Diệu Hiền lên lớp 3, em út Yến Nhi cũng bắt đầu vào lớp 1. Vuốt nước mắt đứng lên làm lại, nhưng mẹ con chị Phượng không hề đơn độc.

 

Sự chung tay của cộng đồng, xã hội đã giúp hàng trăm trẻ em ở những vùng biển nghèo đang gánh chịu tang thương bão táp này, để con đường đến trường của các em không bị rơi vào ngõ cụt. Những cơn bão lòng vì thế đã vơi bớt thương đau. 

 

Hảo Tâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm