Mở rộng tranh cử, tăng số ứng viên để lựa chọn đại biểu Quốc hội
(Dân trí) - Đây là đề nghị của các đại biểu Quốc hội đương nhiệm khi thảo luận việc sửa luật Tổ chức Quốc hội trong phiên họp toàn thể chiều 9/6.
Dự luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.
Phát biểu tại hội trường Diên Hồng, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nêu băn khoăn, đại biểu Quốc hội đang được xếp ở hàng nào trong hệ thống cán bộ. So sánh với các nước, đại biểu Quốc hội là chính trị gia, vị thế rất cao, ông Phương dẫn thực tế, tại Việt Nam, dù đại biểu dân cử được cho là ở vị thế của cơ quan giám sát nhưng quyền lực lại không thực chất, thậm chí bị xem là “lép” hơn so với các cán bộ chính quyền – cơ quan bị giám sát.
Muốn khẳng định được vị thế là chính khách của đại biểu Quốc hội, ông Phương cho rằng, cần nâng chất lượng đại biểu Quốc hội với những tiêu chuẩn ràng buộc riêng, chặt chẽ hơn. Với nguyên lý Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, có thẩm quyền quyết định mọi vấn đề quan trọng của quốc gia thì đại biểu Quốc hội cũng phải “hiểu sâu biết rộng”, toàn diện các mặt của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị tới đối ngoại, an ninh quốc phòng…, có kỹ năng diễn đạt, biểu đạt ý kiến tốt, để không thể từ chối tham gia, thể hiện chính kiến ở các lĩnh vực nào đó.
Muốn như vậy, đại biểu Quốc hội cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cọ sát, và tuyển chọn khắt khe hơn. Phương thức bầu cử lâu nay, gần hết khóa mới cơ cấu, giới thiệu, đưa vào danh sách bầu cử, theo ông Phương, khiến các nhân sự quá dễ qua cửa vào Quốc hội.
“Luật Tổ chức Quốc hội quy định cụ thể tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, qua đó để cử tri lựa chọn, bầu ra những người xứng đáng nhất đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực tối cao. Ông cho rằng với cách thức bầu cử cũ, công bố cơ cấu, thành phần xong, giới thiệu và lựa chọn rất nhanh nên ảnh hưởng đến chất lượng đại biểu” – ông Phương phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) lập luận, ở khía cạnh khác, đại biểu Quốc hội có giỏi đến mấy cũng khó hoàn thành nhiệm vụ khi vừa ngồi họp lại vừa phải nghĩ đến công việc quan trọng khác mà họ đang phải gánh vác.
Do đó, tiêu chuẩn để làm đại biểu Quốc hội là phải có một quỹ thời gian đủ để nghiên cứu tài liệu, đóng góp cho các hoạt động của Quốc hội, tham gia công tác giám sát, tiếp xúc cử tri. Để có được những đại biểu như vậy thì phải làm tốt từ khi hiệp thương, lựa chọn người đủ đức, đủ tài và đủ thời gian để làm đại biểu Quốc hội.
Cũng tham gia ý kiến về vấn đề nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) tán thành quan điểm quy định tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách tối thiểu từ 35% lên 40%.
Đại biểu cũng đề nghị mở rộng tranh cử, tăng số ứng cử viên đại biểu Quốc hội để người dân lựa chọn.
Ông cũng cho rằng, Quốc hội nên mở rộng cửa để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm và tâm huyết tham gia ứng cử làm đại biểu Quốc hội.
Phương Thảo