Mở rộng quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Cần Thơ
(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có công văn yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương đầu tư mở rộng quốc lộ 1, sớm hoàn thành toàn tuyến từ Hà Nội đến Cần Thơ vào cuối năm 2016.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, quy mô toàn tuyến từ Hà Nội đến Cần Thơ gồm 4 làn cho xe cơ giới, 2 làn cho xe máy và có dải phân cách cứng ở giữa; riêng các đoạn đã mở rộng, một số đoạn qua đô thị đã có quy mô 4 làn cho xe cơ giới hoặc tuyến tránh sẽ xem xét ở bước sau.
Việc phân kỳ đầu tư chia thành các đoạn, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý theo nhu cầu cấp thiết và khả năng huy động vốn để lập dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) có sự tham gia vốn của Nhà nước.
Thủ tướng đồng ý giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải áp dụng cơ chế chỉ định thầu nhà đầu tư, nhà thầu theo đơn giá quy định của Nhà nước, có tiết kiệm 5% giá dự toán.
Về nguồn vốn, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, thống nhất và ban hành mức thu phí sử dụng cầu đường bộ hợp lý để đảm bảo thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nguồn vốn cho các dự án cụ thể. Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai lập các dự án đầu tư để kêu gọi đầu tư.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo quyết liệt công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đáp ứng yêu cầu tiến độ.
Được biết, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra 2 phương án mở rộng quốc lộ 1. Trong đó, phương án 1 là chỉ mở rộng những đoạn quốc lộ đã mãn tải. Còn phương án 2 là từ nay đến năm 2015 mở rộng toàn bộ quốc lộ 1 từ Hà Nội đến TPHCM và TPHCM - Phụng Hiệp với số vốn đầu tư lên tới 103.000 tỷ đồng.
Hai nút giao thông sẽ được bố trí tại điểm giao cắt giữa QL1A với tỉnh lộ 10 và tỉnh lộ 10B theo hình thức nút giao thông khác mức. Công trình này gồm cầu vượt bằng bê tông cốt thép với vận tốc thiết kế là 60-80km/h. Chiều dài mỗi tuyến cầu vượt tại tỉnh lộ 10 là 802m và tại tỉnh lộ 10B là 680m.
Còn hạng mục lắp đặt dải phân cách sẽ được thực hiện trên toàn tuyến từ An Sương đến An Lạc dài hơn 20km. Biện pháp lắp đặt dải phân cách trên QL1A đã được TPHCM thực hiện trên đoạn Bình Phước – An Sương trong năm 2011 và phát huy hiệu quả giảm ùn tắc, tai nạn khá tốt.
Tại buổi lễ, ông Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết nhà nước rất khuyến khích các nhà đầu tư tham gia các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án cải tạo QL1A, tuyến đường huyết mạch của cả nước. Ông cũng nhắc nhở đơn vị thi công, đơn vị quản lý của dự án này phải thực hiện nghiêm túc quy định bảo đảm an toàn trong khi thi công để đảm bảo an toàn giao thông, trật tự trong khu vực.
Quỳnh Anh - Tùng Nguyên