1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kỷ niệm 61 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2015):

Mở màn đánh cứ điểm Him Lam, anh em vừa tiến công vừa được nghe hát

(Dân trí) - “Mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, cấp trên ra lệnh tiến công, đơn vị tôi đi đầu trong trận đánh mở màn đánh vào cứ điểm Him Lam. Kỷ niệm tôi không quên ngày hôm đó là anh em vừa tiến công vừa được nghe hát, tinh thần lên rất nhiều…”.

Đó là chia sẻ của Đại tá Nguyễn Hữu Tài (thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312) - nhân chứng tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tháng 5/1954. Ông đã tham gia chiến dịch từ trận đầu cho tới trận kết thúc. Ông còn giữ chức vụ Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn, vừa cầm súng trực tiếp chiến đấu, vừa làm công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho các chiến sĩ; để tránh tư tưởng “hữu khuynh tiêu cực”, động viên tinh thần chiến đấu cho anh em trong Trung đoàn.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài chỉ sơ đồ tấn công của quân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ cho PV Dân trí

Đại tá Nguyễn Hữu Tài chỉ sơ đồ tấn công của quân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ cho PV Dân trí

Kéo pháo vào trận địa rồi lại được lệnh kéo ra!

Đại tá Nguyễn Hữu Tài cho biết, khoảng tháng 1/1954, sau 7 ngày Trung đoàn của ông đã rất vất vượt qua quãng đường rừng 7- 8km và đã kéo được 12 khẩu pháo vào trận địa. Nhưng khi đó, cấp trên lại ra lệnh chưa đánh, chưa tấn công và hạ lệnh phải kéo 12 khẩu pháo này ra vị trí cũ; khiến tinh thần các chiến sỹ lúc đó có sự hụt hẫng rất lớn, không hiểu lý do tại sao.

“Đơn vị tôi đã mất 7 ngày kéo 12 khẩu pháo từ đường cái vượt qua quãng đường khoảng 7 – 8km đường rừng dốc, trơn trượt. Nhưng khi pháo đã vào trận địa, cấp trên ra lệnh chưa đánh và hạ lệnh phải kéo pháo ra. Lúc đó anh em có sự hụt hẫng về tinh thần rất lớn, không hiểu vì lý do gì mà lại kéo pháo ra, liệu có đánh nữa không. Tuy nhiên cấp trên chỉ thị tiếp “Triệt để chấp hành mệnh lệnh, tin tưởng tuyệt đối cấp trên, vẫn quyết tâm tiêu diệt địch tại Điện Biên Phủ”. Do đó, anh em đã chấp hành kéo pháo ra. Thời gian kéo pháo ra cũng mất 7 ngày, lúc kéo ra do dây bị đứt, pháo trượt dốc nên mới có câu chuyện anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo và hi sinh ở dốc Chuối tháng 2/1954” – Đại tá Tài kể lại.

Đêm giao thừa Tết âm lịch năm 1954, Đại tá Tài đã về Bộ Tư lệnh Sư đoàn báo cáo tình hình chiến sự, công việc kéo pháo ra đã hoàn thành, sau đó quay về đơn vị làm công tác tư tưởng chính trị, động viên tinh thần các chiến sỹ trong đơn vị. Củng cố mọi vấn đề sức khỏe, chiến sự để chuẩn bị cho trận đánh đầu tiên vào ngày 13/3/1954.

Vào 17h chiều ngày 13/3/1954, cấp trên ra lệnh các đơn vị đồng loạt tiến công. Đơn vị của Đại tá Tài tiến công vào cụm cứ điểm Him Lam, trong quá trình tiến công đã bắt sống được 1 trung úy của địch khi tên này đang ra suối lấy nước. Trong trận đầu ra quân, ta đã chiếm được cứ điểm Him Lam (13/3/1954), đồi Độc Lập (15/3) và Bản Kéo (17/3).

Đại tá Tài chia sẻ: “Hôm đó, lần đầu tiên cấp trên cử 2 đội văn công xuống tại 2 trận địa, để hát cho các chiến sỹ nghe bài hát “chiến sỹ Việt Nam”. Không khí hào hùng lắm, anh em vừa tiến công, vừa được nghe hát, tinh thần lên cao rất nhiều. Trong trận mở màn này, ta lần đầu tiên có pháo 105, pháo cao xạ 37 li, 120 li và 81 li. Trận mở màn đã thu được những thắng lợi nhất định và quan trọng. Đơn vị của tôi đã tiêu diệt được Tiểu đoàn 3, bán Lữ đoàn Lê Dương của địch – đây là đội quân lính đánh thuê rất thiện chiến của thực dân Pháp”.

“Nhảy lên chiến hào bắn chỉ thiên, ăn mừng chiến thắng”

Đại tá Tài cho biết, đợt tấn công thứ 2 bắt đầu vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/1954. Quân ta đã chiếm được các vị trí sau: Đồi C1 ta chiếm được vào ngày 30/3/1954, Pháp phản công từ ngày 9-12/4/1954 (mỗi bên kiểm soát 1 phần cứ điểm này); đồi D1 và E ta chiếm ngày 30/3/1954; vị trí đồi A1 cuộc chiến kéo dài từ 30/3 đến 4/4/1954, quân ta ngừng tấn công; đồi D2 quân Pháp rút ngày 30/3/1954 và đồi D3 quân Pháp rút ngày 31/3/1954; vị trí cứ điểm 106 ta chiếm đêm1/4/1954; vị trí 105 ta chiếm đêm 17/4/1954; vị trí 206 ta chiếm ngày 22/4/1954; và một số cụm, cứ điểm khác của trận địa Điện Biên Phủ.

“Đầu tháng 5, quân ta mở đợt tổng tiến công, hạ quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ. Đơn vị của tôi đánh cụm cứ điểm 507, nhưng không tiêu diệt được, do không xung phong được, vì cửa của chiến sự bị hàng bó dây thép gai chặn lại, đạn, pháo bắn vào đó không đứt dứt điểm được. Sáng 7/5/1954, đơn vị họp tôi họp rút kinh nghiệm và xin cấp trên cho tấn công tiếp vị trí 507, nhưng lần này xin đánh vào ban ngày và cấp trên đã đồng ý. Khoảng 14h chiều 7/5/1954, chúng tôi bắt đầu tấn công, sau 1 loạt pháo bắn vào đó, chỉ thời gian ngắn chúng tôi đã chiếm được cụm cứ điểm 507” – Đại tá Tài kể tiếp.

Cũng theo Đại tá Tài, vào lúc 17h cùng ngày 7/5/1954, quân ta đồng loạt tấn công ở các vị trí khác nhau và chiếm được những vị trí rất quan trọng. Thời điểm đó, rất nhiều quân địch đã kéo cờ trắng lên hàng. Thời cơ chiến thắng đã rất cận kề, 17h30 ngày 7/5/1954, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Tạ Quốc Luật là người đã dẫn đầu tổ xung kích vào bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri cùng toàn bộ Bộ tư lệnh cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp tại Hầm chỉ huy trung tâm của bọn chúng. Đánh dấu mốc chiến thắng vang dội của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

“Khi đơn vị tôi tiêu diệt xong cụm cứ điểm 507, đã có nhiều quân địch kéo cờ trắng lên hàng. Tôi đã phải tiếp cận với nhóm quân địch và hướng dẫn chúng làm theo mệnh lệnh của quân ta, chúng đã chấp hành. Khi bắt được tướng Đờ Cát-xtơ-ri, anh em trong các chiến sự nhảy vội lên hò reo ăn mừng, rồi họ bắn chỉ thiên lên trời. Thời khắc đó, không bao giờ quên với tôi và những người lính từng tham gia trận đánh này...” – Đại tá Tài bồi hồi nhớ lại.

Nguyễn Dương