Mở "kênh" tiếp nhận phản ánh về chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường

Nguyễn Dương Thế Kha

(Dân trí) - Tổng cục Môi trường vừa chính thức mở "kênh" để tiếp nhận, giải đáp nhanh những thắc mắc, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là những quy định mới, lần đầu được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa chính thức mở Hệ thống tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan này.

Hệ thống sẽ tiếp nhận và giải đáp nhanh những ý kiến thắc mắc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

"Với tinh thần cầu thị, các phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đều được Tổng cục Môi trường tiếp nhận, trả lời đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định"- thông tin từ cơ quan này cho hay.

Tổng cục Môi trường cho biết, người dân, doanh nghiệp có thể truy cập địa chỉ http://giaidapphapluatmoitruong.ceid.gov.vn/home/contact để trao đổi, phản ánh về quá trình thực thi, hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực môi trường.

Mở kênh tiếp nhận phản ánh về chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường - 1

Website của Tổng cục môi trường, Bộ TN&MT.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường.

Quy chế quy định, phương thức tiếp nhận thông tin đường dây nóng gồm: Gọi điện, nhắn tin vào các số điện thoại đường dây nóng; gửi thông tin vào thư điện tử, qua website (https://pakntt.monre.gov.vn) hoặc gửi qua ứng dụng trên thiết bị di động (paknMonre).

Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương sẽ công khai, cập nhật số điện thoại tổng đài, địa chỉ thư điện tử của đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử.

Cơ quan, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành đường dây nóng có trách nhiệm tiếp nhận, cập nhật đầy đủ nội dung thông tin vào hệ thống; chuyển ngay thông tin đó đến cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm xác minh, xử lý thông tin theo nguyên tắc: Chuyển thông tin đến UBND cấp huyện để tiến hành xác minh thông tin đối với trường hợp thông tin chưa rõ ràng, chưa đầy đủ; đồng thời gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, đôn đốc, giám sát.

Phát động sáng tác nghệ thuật bảo vệ tầng ozone 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phát động cuộc thi sáng tác nghệ thuật với chủ đề "bảo vệ tầng ozone để bảo vệ khí hậu trái đất," với ba thể loại là nhiếp ảnh, vẽ tranh và vẽ tranh công nghệ.

Đại diện Cục Biến đổi khí hậu cho biết, mục đích của cuộc thi nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ozone và phòng chống dịch bệnh của cộng đồng xã hội.

Cuộc thi cũng hướng tới việc nêu bật mối liên hệ giữa việc bảo vệ tầng ozone và biến đổi khí hậu, những hoạt động, thành tựu đạt được của Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone và các Bản sửa đổi, bổ sung trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal nhiều năm qua.

Mở kênh tiếp nhận phản ánh về chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường - 2

Thể lệ cuộc thi sáng tác nghệ thuật với chủ đề "bảo vệ tầng ozone để bảo vệ khí hậu Trái Đất". (Nguồn: Cục Biến đổi khí hậu).

Ngoài ra, cuộc thi nhằm huy động sự ủng hộ của cộng đồng trong việc giảm thiểu sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone (ODS) và loại trừ dần các chất HFC (hydrofluorocarbon); tăng cường hợp tác với UNEP và cộng đồng quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozone.

Theo thể lệ cuộc thi, đối tượng tham gia là công dân Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam theo 2 độ tuổi: từ 6 đến 15 tuổi và được sự đồng ý, xác nhận đăng ký tham gia của đại diện bố hoặc mẹ; trên 15 tuổi với 3 thể loại thi gồm nhiếp ảnh, vẽ tranh và vẽ tranh công nghệ.

Yêu cầu về nội dung của tác phẩm dự thi phải thể hiện được các thành tựu, hành động, trách nhiệm và lợi ích liên quan đến việc thực hiện Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali; phản ánh chủ đề Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2021, các hoạt động hưởng ứng phong trào phòng, chống dịch Covid-19.

Sáng tác nghệ thuật bảo vệ tầng ozone để bảo vệ khí hậu trái đất

Tác phẩm tham dự phải được chụp, vẽ trên lãnh thổ Việt Nam từ ngày 1/1/2020 đến 30/3/2022. Ban tổ chức sẽ tiếp nhận các tác phẩm dự thi đến hết ngày 31/3/2022. Dự kiến, lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ diễn ra vào ngày 16/9/2022.

Cuộc thi gồm 2 giải nhất, mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 6 giải nhì, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 10 giải ba, mỗi giải 3 triệu đồng; 30 giải khuyến khích, mỗi giải một triệu đồng. Tác giả (nhóm tác giả) đoạt giải cao nhất của mỗi thể loại sẽ được Ban tổ chức đề cử tham gia cuộc thi cấp khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tác giả có tác phẩm dự thị gửi về địa chỉ: Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), số 10 Tôn Thất Thuyết, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội; điện thoại 024 3775 9585; thư điện tử: sangtacnghethuatO3@gmail.com.

Nguyễn Dương