Khánh Hòa:
Mô hình “tàu mẹ - tàu con” giúp ngư dân yên tâm bám biển
(Dân trí) - Mô hình đội “tàu mẹ - tàu con”, với “tàu mẹ” bằng thép, công suất lớn làm dịch vụ hậu cần phục vụ đội “tàu con” bằng gỗ, composite… sẽ giúp ngư dân bám biển, tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ngày 10/10, ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về về một số chính sách phát triển thủy sản, địa phương đang thí điểm triển khai đóng mới đội “tàu mẹ - tàu con” bằng nhiều vật liệu mới.
Theo đó, đối với “tàu mẹ”, hiện đã có doanh nghiệp đăng ký đóng mới 2 tàu vỏ sắt làm dịch vụ hậu cần (công suất trên 800CV), còn “tàu con” thì ngư dân đăng ký đóng mới 4 tàu vỏ sắt, 25 tàu vỏ composite và 26 tàu gỗ chủ yếu làm nghề câu cá ngừ đại dương, lưới vây, chụp mực…
Theo ông Én, “tàu mẹ” có chức năng vừa thu mua hải sản trên biển, đồng thời cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cho đội “tàu con”. “Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa chưa có chiếc nào có công suất lớn để thực hiện chức năng của tàu mẹ”, ông Én nói và cho biết thêm: Việc đóng mới tàu mẹ hiện đang gặp một số vướng mắc vì đối tượng phải là doanh nghiệp thu mua hải sản, đảm bảo năng lực tài chính để đối ứng một phần bên cạnh nguồn vốn cho vay theo Nghị định 67.
Theo tìm hiểu, tỉnh Khánh Hòa là địa phương đang có nhiều thuận lợi trong việc triển khai mô hình đội “tàu mẹ - tàu con”. Hiện Khánh Hòa đang có Công ty TNHH MTV đóng tàu Cam Ranh chuyên thiết kế và đóng các loại tàu vỏ thép. Trong khi đó, tàu cá vật liệu mới composite đã được Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (UNINSHIP, thuộc Trường Đại học Nha Trang) đã đóng thành công từ nhiều năm qua. Mới đây nhất, UNINSHIP và Công ty Yanmar (Nhật Bản) đã cho hạ thủy tàu câu cá ngừđại dương vỏ composite với công suất 350CV nằm trong dự án “Nâng cao thu nhập cho ngư dân và phát triển ngành khai thác cá ngừ Việt Nam bền vững”.
Theo ngư dân, nhờ cơ chế hết sức ưu đãi của Nghị định 67, việc đóng tàu vỏ thép, composite có công suất lớn sẽ giúp ngư dân yên tâm bám biển dài ngày, cùng với sự “giúp sức” của đội “tàu mẹ” khi thu mua hải sản ngay trên biển sẽ tiết kiệm chi phí từ 50-70%, nâng cao hiệu quả đánh bắt, góp phần không nhỏ vào việc giữ vững chủ quyền biển đảo.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, việc ban hành Nghị định 67 là thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước để tạo ra một bước đột phá nhằm thúc đẩy ngành khai thác thủy sản phát triển bền vững. Phó Thủ tướng lưu ý cần triển khai đồng bộ các nội dung của Nghị định nhưng không làm ồ ạt theo phong trào, không để lợi dụng chính sách, không để xảy ra tiêu cực khi thực hiện. Thông qua đó nhằm tạo điều kiện để ngư dân tham gia bám biển, đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo, quyết tâm thực hiện không để thất bại.
Viết Hảo