1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mô hình sau cai nghiện của TPHCM, nơi khác… “chịu”!

(Dân trí) - Mô hình sau cai nghiện tại TPHCM sau 5 năm thực hiện NQ 16/2003 của QH vẫn chưa đủ sức “thuyết phục” hầu hết các UV Thường vụ Quốc hội. Bởi lẽ, dù những hiệu quả mang lại có cao như báo cáo thì đây vẫn là mô hình của… “người giàu”.

Sau 5 năm thực hiện NQ “Thí điểm tổ chức quản lí, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện”, các địa phương đề nghị kéo dài đề án hậu cai nghiện đến 2020, thay vì đến 1/8/2008 khi NQ 16 hết hiệu lực, đồng thời đề nghị xem xét sửa đổi luật Phòng chống ma túy, qui định thời gian quản lí và giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng từ 1-3 năm…

Góp ý với báo cáo kết quả thực hiện của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của UB các vấn đề xã hội, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Pháp luật cho rằng, các báo cáo quá nhấn mặt được và ông cảm nhận mọi việc có vẻ rất… suôn sẻ.

Ông Thuận đặt vấn đề, các báo cao chưa nêu được tỉ lệ trốn trại, chết hoặc thẩm lậu ma túy? Thêm nữa, tỉ lệ 6% tái nghiện là do báo cáo hay do quản lí sau cai nghiện tốt, bởi theo báo cáo của Chính phủ có tới 70-80% người sau thời gian ở các trung tâm chữa bệnh, cai nghiện tái nghiện.

Ông Thuận cũng cho rằng, không thể lấy thời gian để đo hiệu quả của việc chữa trị. Hơn nữa, biện pháp đã thực hiện theo ông Thuận là biện pháp của “người giàu”- để có những kết quả chưa lớn như của TPHCM, thành phố này đã phải chi tới 1.222 tỉ đồng.

Trong 7 địa phương được Chính phủ phê duyệt tham gia đề án thí điểm, TPHCM có thời gian thực hiện dài nhất- gần 5 năm. Tính đến 31/3/2008, TPHCM đã giải quyết cho hơn 13.771 người sau cai tái hòa nhập cộng đồng, trong đó hơn 71% người đã có việc làm và ban đầu số người tái nghiện chỉ chiếm 6%.

Nói lên những mong muốn tốt đẹp, nhưng Chủ nhiệm UB Pháp luật vẫn đánh giá, những biện pháp đã áp dụng là không làm được. Ông Thuận đề xuất nên sử dụng chất thay thế methanol như một số nước khác đã làm.
Những băn khoăn của ông Thuận lập tức được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Vũ Hồng Vương chia sẻ.

Theo ông Vương, tại Singapore chỉ có 763 người nghiện, họ cũng rất có điều kiện để đưa vào cai nghiện bắt buộc nhưng số tái nghiện vẫn lên đến 60%.

Với tỉ lệ tái nghiện 6% của TPHCM theo ông Vương, cơ sở còn chưa vững chắc vì thời gian sau hòa nhập còn ngắn. Thêm nữa, việc kéo dài thời gian sau cai nghiện từ 1-3 năm rất tốn kém, các địa phương khác như Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La… đều báo cáo là rất khó thực hiện.

Ông Vương đánh giá, NQ 16 đủ cho một bài học kinh nghiệm, người nghiện phải có thời gian quản lí sau cai nghiện để bổ sung vào luật. Ông Vường đề nghị kết thúc NQ 16.

Nên có Nghị quyết cho các tỉnh… nghèo!

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, Trần Thế Vượng nhìn nhận, việc quản lí sau cai nghiện thực chất là kéo dài thời gian chữa bệnh. Theo ông Vượng, việc quản lí này được thực hiện với những người tự nguyện hoặc có nguy cơ tái nghiện cao, nhưng thực tế đã thực hiện theo bắt buộc. Như vậy là chưa “trúng” tinh thần NQ.

Cũng theo ông Vượng tỉ lệ tái nghiện 6% là mới phát hiện, chưa vững chắc nhưng lại đem so sánh với tỉ lệ tái nghiện trước đây (90%) là… khập khiễng. “Nếu thực tế đạt được tỉ lệ 6% thì quá thành công”, ông Vượng phân tích.

Về kinh phí, một thời gian ngắn, TPHCM đã phải chi trên 1.200 tỉ đồng, nếu kéo dài hiệu lực của NQ sẽ rất khó khăn về tài chính. “Chính phủ sẽ phải đưa ra Quốc hội cơ sở kinh tế - tài chính như thế nào, nhất là khi các tỉnh đang rất khó khăn về ngân sách”, ông Vượng nhấn mạnh. Từ đó, ông đề nghị không nên kéo dài hiệu lực của NQ.

Phát biểu sau đó, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc, Ksor Phước lại cho rằng, TPHCM đã thực hiện 5 năm, đã sử dụng số tiền lớn, đã đầu tư cơ sở vật chất, không nên dừng lại mà cần làm tiếp.

Tuy nhiên, ông Ksor Phước cũng đánh giá, những gì TPHCM đã làm thì chỉ TP này làm được, các tỉnh khác… “chịu”. Ông đề nghị, Quốc hội nên có nghị quyết để các tỉnh có nhiều người nghiện, nhưng đang khó khăn, chẳng hạn như Sơn La có thể làm được.

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lại đề nghị, nếu không kéo dài thời gian có hiệu lực của NQ nên có biện pháp để có thời gian đưa 6.000 người sau cai đang quản lí tập trung về cộng đồng, có thể là từ tháng 8 tới tháng 12/2008, trước khi luật PCMT mới có hiệu lực.

Cấn Cường