Mô hình "nhất thể hóa" Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sau nhiệm kỳ đặc biệt

Phương Thảo

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Bùi Đặng Dũng nêu vấn đề, từ nhiệm kỳ đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải đồng thời đảm nhận trọng trách Chủ tịch nước, mô hình "nhất thể hóa" được thể hiện hài hòa, hợp lý.

Chiều 25/3/2021, các đại biểu Quốc hội có thời gian thảo luận tại tổ về việc đánh giá nhiệm kỳ công tác của các cơ quan.

Nói về công tác nhân sự tại kỳ họp này, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) bày tỏ băn khoăn về tính kế thừa của thế hệ lãnh đạo Quốc hội khóa mới.

"Tôi rất băn khoăn tới đây ai sẽ là Chủ tịch Quốc hội, ai thay thế vị trí các Phó Chủ tịch Quốc hội đều nghỉ sau nhiệm kỳ này, ai sẽ là Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội" - đại biểu Đức Thắng bày tỏ.

Ông phân tích, thông tin về công tác nhân sự qua các kỳ họp Trung ương có thể tiếp cận được phần nào, nhưng cử tri và cả đại biểu vẫn lo lắng bởi tính kế thừa, đảm bảo sự liên tục của đội ngũ lãnh đạo trong Quốc hội chưa đảm bảo khi đồng loạt tất cả các vị trí lãnh đạo ở cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước phải thay đổi cùng lúc. Qua tìm hiểu cá nhân, ông xác định được, chỉ có 5 trong tổng số 18 Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội tiếp tục công tác trong khóa mới.

Đại biểu nêu suy nghĩ: "Tôi thấy rất e ngại về việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo Quốc hội kỳ này khi tính kế thừa của khóa XIV cho khóa XV là rất ít. Tôi tin, rất nhiều lãnh đạo các ngành khác về Quốc hội cũng sẽ không dễ bắt tay ngay vào công việc khi chưa có kinh nghiệm ở cơ quan lập pháp. Chắc chắn sẽ có những lúng túng, bỡ ngỡ và điều đó hẳn là sẽ ảnh hưởng chất lượng hoạt động của Quốc hội giai đoạn tới. Cử tri đặt câu hỏi như vậy và chính chúng tôi cũng có những băn khoăn như thế".

Đại biểu gợi ý, cần suy nghĩ về chiến lược quy hoạch cán bộ để những nhiệm kỳ sau, Quốc hội đảm bảo được tính kế thừa, vững chắc.

Mô hình nhất thể hóa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sau nhiệm kỳ đặc biệt - 1

Đại biểu Quốc hội Bùi Đặng Dũng phát biểu tại tổ thảo luận chiều 25/3/2021.

Cũng về công tác nhân sự, đại biểu Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) hồ hởi chúc mừng nhiều đại biểu trong cùng tổ thảo luận đã đắc cử, tái đắc cử Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng vừa qua. Đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, các Ủy viên Trung ương Đảng: Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Nhận định các đại biểu đã và sẽ tiếp tục là những lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước được kiện toàn sắp tới, ông Bùi Đặng Dũng nhấn mạnh ý nghĩa của bộ khung lãnh đạo trong nhiệm kỳ mới.

Đánh giá nhiệm kỳ hoạt động vừa qua của các cơ quan, đại biểu Bùi Đặng Dũng bày tỏ ấn tượng với báo cáo tổng kết của Chủ tịch nước. Ông nhận định, 2016-2021 cũng là nhiệm kỳ rất đặc biệt khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời đảm nhận trọng trách Chủ tịch nước, nhậm chức giữa nhiệm kỳ.

Từ một biến cố không may mắn là Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần khi đang trên cương vị công tác, mô hình "nhất thể hóa" để lãnh đạo Đảng đồng thời là lãnh đạo đứng đầu nhà nước được thực hiện. Nhìn nhận lại việc vận hành mô hình này từ năm 2018 đến nay, đại biểu cho rằng có một số điểm cần làm rõ.

Cụ thể, ông Dũng gợi ý suy nghĩ căn cơ hơn về mô hình "nhất thể hóa", khi một lãnh đạo cùng lúc có thể đảm đương cả hai trọng trách. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ không đề cập nội dung này nhưng đại biểu nhắc lại chia sẻ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trước Quốc hội ngày hôm qua, ông còn là Chủ tịch UB Quốc phòng và an ninh, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, là Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và đồng thời là đại biểu Quốc hội nên phải kiêm nhiệm nhiều việc, có ảnh hưởng phần nào đến công tác Chủ tịch nước.

Đại biểu nhận xét, công việc của Chủ tịch nước và Tổng Bí thư tập trung ở một người, thực tế, về đối nội và đối ngoại có thể thấy là rất hài hòa, thuận lợi. Trong bối cảnh phải tinh giản bộ máy, biên chế, xây dựng cơ quan nhà nước hiệu lực, hiệu quả, giao quyền mạnh mẽ… thì mô hình "nhất thể hóa", theo ông Dũng, là hướng tổ chức đáng chú ý.

Nêu lại con số, trong nhiệm kỳ 5 năm, Chủ tịch nước đã ký các sắc lệnh ban hành 72 luật, công bố các văn bản này rất kịp thời nhưng việc triển khai thi hành các luật này thế nào, theo đại biểu, "cần có cơ chế để Chủ tịch nước đôn đốc, có chế tài buộc các cơ quan thực hiện, tránh hiện tượng ký công bố xong rồi có nhiều luật hàng năm sau vẫn chưa thể thi hành vì chưa có nghị định hướng dẫn".

Ông Dũng cũng phân tích từ con số, Chủ tịch nước đã ký gần 100 đơn ân giảm án tử hình cho những người bị tòa án kết tội. Con số không ít này gây băn khoăn là quá trình điều tra, xử án thế nào, những mức án quyết định sinh mạng con người như vậy có cần điều chỉnh?

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh thì phân tích sâu hơn báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ. Ông đề nghị, trong số 4 thành tựu cơ bản thể hiện trong báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội, cần nhấn mạnh về xu hướng đổi mới, mở cửa hội nhập sâu rộng của Việt Nam 5 năm qua.

Mô hình nhất thể hóa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sau nhiệm kỳ đặc biệt - 2
Ủy viên Bộ Chính trị Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND tối cao cùng chung tổ thảo luận (ảnh: Quốc Chính).

"Sự khác biệt của nhiệm kỳ này là trên tinh thần hội nhập, hợp tác quốc tế, Việt Nam đã thể hiện vai trò dẫn dắt lớn chứ không chỉ là một nước chủ động hòa theo các dòng chảy, xu hướng. Nhất là trong ASEAN, vai trò dẫn dắt của Việt Nam thể hiện rất rõ" - tân Trưởng ban Kinh tế Trung ương phân tích, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của mình, Việt Nam đã đạt được kết quả trong đàm phán hiệp định RCEP mà nhiều nhiệm kỳ trước các nước chủ tịch khác không kết thúc được, điều phối các hoạt động chống đại dịch Covid-19.

Dẫn chứng khác của Bộ trưởng Công Thương là hiệp định thương mại tự do CPTPP được ký kết, phê chuẩn trong năm 2019 và đã phát huy hiệu quả lớn trong 2 năm qua, giúp Việt Nam có được sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ đến những thị trường mới như Canada, Mexico (đều tăng trưởng ở mức 40-45%).

Ông Trần Tuấn Anh nhận định, với việc hội nhập, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và của cả nền kinh tế được khẳng định, củng cố.