Đánh giá nhiệm kỳ Quốc hội XIV: Những quyết sách chưa từng có!

Thái Anh

(Dân trí) - UB Thường vụ Quốc hội đánh giá, 5 năm qua, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động lớn, trong đó có những vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ.

Đánh giá công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV là nội dung được UB Thường vụ Quốc hội thảo luận trong phiên họp thứ 54, khai mạc sáng nay, 15/3/2021. Đây cũng là một trong các nội dung sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 11, sẽ khai mạc ngày 24/3 tới đây.

Đánh giá nhiệm kỳ Quốc hội XIV: Những quyết sách chưa từng có! - 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (đứng) phụ trách việc xây dựng, hoàn thiện báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIV.

Hành động vì lợi ích nhân dân

Dự thảo báo cáo do Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày nêu đánh giá khái quát, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, luôn sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hoạt động, nghiên cứu, thận trọng, nhưng quyết đoán kịp thời; nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động đối ngoại.

"Những quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian qua" - ông Phúc phát biểu.

Về công tác lập pháp, nhiệm kỳ này Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội đã ban hành 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, trong đó, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Báo cáo dẫn chứng luật Quy hoạch, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, luật An ninh mạng, luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, luật Thỏa thuận quốc tế, luật Cư trú, luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động, luật Giáo dục, luật Phòng, chống tham nhũng,…

Nhiệm kỳ này, nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực. Thông qua hoạt động giám sát đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những kết quả tích cực, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập và đưa ra kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, từ đó, các cơ quan hữu quan nhận thức đầy đủ trách nhiệm và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. 

Trong 5 năm qua, Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó có những vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, đặc biệt do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh trong năm 2020, Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội đã kịp thời có những quyết định mới hoặc điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với yêu cầu tại từng thời điểm, nhất là các vấn đề kinh tế - xã hội "nóng", nổi bật, mới phát sinh.

Hạn chế trong hoạt động giám sát

Đánh giá nhiệm kỳ Quốc hội XIV: Những quyết sách chưa từng có! - 2
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo trước UB Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh những kết quả được ghi nhận, báo cáo cũng nêu nhiều khó khăn, hạn chế trong hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, dự thảo báo cáo đánh giá, một số vấn đề mang tầm chiến lược, vĩ mô chưa được thảo luận một cách đầy đủ, thấu đáo (như: quan điểm về tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế trong một chiến lược dài hạn, định hướng và giải pháp cho phát triển kinh tế vùng, ngành động lực; định hướng, giải pháp huy động và phân bổ nguồn lực của đất nước trong từng giai đoạn phát triển của đất nước; các cân đối vĩ mô của nền kinh tế...); khó đánh giá, xác định trách nhiệm trong trường hợp không hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra;...

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do một số nội dung còn chưa bảo đảm tiến độ về thời gian, gây khó khăn cho các cơ quan thẩm tra; đại biểu Quốc hội có lúc chưa được cung cấp thông tin đầy đủ, thiếu thời gian nghiên cứu chuyên sâu; chưa có quy định cụ thể về những tiêu chí, nội dung thuộc nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chỉ tiêu mang tính định hướng, khó phân định những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội hoặc giao Chính phủ, chưa có quy định phân định các trường hợp được thực hiện điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu trong một số tình huống khi tình hình kinh tế - xã hội có biến động lớn....

Trong hoạt động giám sát, hạn chế được nêu là hiệu quả công tác giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật chưa cao. Một vài nội dung giám sát còn tình trạng dựa vào việc xem xét báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát; hoạt động giám sát, khảo sát có thời điểm còn tập trung tại một số địa phương; có trường hợp cơ quan chịu sự giám sát chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng báo cáo theo yêu cầu.

Thời gian dành cho hoạt động chất vấn chưa bảo đảm để tất cả các chất vấn của đại biểu Quốc hội đều được trả lời trực tiếp tại hội trường; một số câu hỏi và câu trả lời chất vấn có chất lượng chưa cao, còn đi sâu vào các vụ việc cụ thể, mà chưa tập trung vào những vấn đề lớn liên quan đến thể chế, chính sách vĩ mô, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành.

Bên cạnh đó, hoạt động giải trình mới chỉ được một số cơ quan quan tâm triển khai. Việc tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội còn gặp khó khăn; hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội chủ yếu theo chương trình giám sát của Đoàn, mà ít đại biểu có hoạt động giám sát riêng. Một số yêu cầu tại các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn, báo cáo giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội chưa được nghiêm túc triển khai thực hiện; việc theo dõi, đôn đốc kiến nghị giám sát cũng chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên;...