1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mô hình nào cho Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương?

(Dân trí) - Thảo luận về dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi tại UB Thường vụ QH chiều nay, cơ quan soạn thảo - Thanh tra Chính phủ và cơ quan thẩm tra - UB Tư Pháp đều cho rằng, không quy định việc thành lập, hoạt động của Ban chỉ đạo TƯ là hợp lý.

Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng hiện tại thuộc Chính phủ, do Thủ tướng đứng đầu.
Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng hiện tại thuộc Chính phủ, do Thủ tướng đứng đầu.
 
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình 3 phương án “thiết kế” mô hình Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng, không đưa nhận định, quan điểm nghiêng về bất cứ phương án nào.

Phương án 1 xác định rõ Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Ban Nội chính TƯ được khôi phục, là cơ quan thường trực.

Phương án 2 chỉ quy định trách nhiệm của Ban chỉ đạo trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước và giao UB Thường vụ QH quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Phương án 3 xác định Ban chỉ đạo là cơ quan của Đảng, không phải là cơ quan nhà nước nên luật sửa đổi sẽ không quy định về việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của cơ quan này.

Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động của dự án luật do Thanh tra Chính phủ thực hiện cho rằng, phương án 3 đáp ứng được yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên hoạt động của Ban chỉ đạo có thể sẽ gặp khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý điều chỉnh mối quan hệ công tác với cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước.

Theo phương án này, việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ do Đảng quy định. Đồng thời, công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của cơ quan này sẽ được thực hiện thông qua các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.

Việc không quy định ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh cũng được đánh giá sẽ dẫn đến việc không còn tồn tại hệ thống các cơ quan văn phòng ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên việc này lại có tác động làm cho bộ máy các cơ quan nhà nước gọn nhẹ hơn, giảm bớt chi phí hành chính. Nhiệm vụ về quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng khi đó sẽ do các cơ quan thanh tra nhà nước đảm nhiệm theo đúng quy định của Luật Thanh tra năm 2010.

Thẩm tra nội dung này, UB Tư pháp phân tích, cách thể hiện quy định về Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng như phương án 1 không phù hợp với tiền lệ quy định của hệ thống pháp luật hiện hành. Cụ thể là văn bản quy phạm pháp luật của QH không thể quy định tổ chức, hoạt động, chức năng của cơ quan Đảng.

Tương tự như vậy phương án 2 đề xuất giao cho UB Thường vụ QH quy định tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo do Tổng Bí thư đứng đầu cũng không có căn cứ và chưa có tiền lệ này.

Như vậy, chỉ còn phương án 3 được cơ quan này xem xét cụ thể. Phương án này hiện đúng tinh thần của Nghị quyết TƯ 4 và tuân thủ tiền lệ xây dựng hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời vẫn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định, Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan khác tùy theo thẩm quyền đều có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

P.Thảo