1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Mở đường để giảm kẹt xe: Bài toán khó không ai muốn giải!

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp giảm ùn tắc giao thông là cải tạo đô thị cũ, mở rộng đường. Nhưng việc này rất khó làm vì thiếu giải pháp tài chính. TS Võ Kim Cương ví von đó là: “Bài toán khó không ai muốn giải!”.

>> Cấu trúc đô thị “méo mó” là đồng minh của xe gắn máy

Chuyên gia giao thông – TS Phạm Sanh – nhận định: “Nếu chỉ đi sâu vào vấn đề đầu tư xây dựng mở rộng hạ tầng giao thông để giảm nghẹt xe, thì cũng đã thấy khó khăn về tài chính rồi, ít nhất thành phố cần 200.000 tỷ đồng và chuyện giải tỏa chẳng hề đơn giản tý nào. Vì vậy, ngay tại TPHCM, chúng ta cũng đang lúng túng và dè dặt với giải pháp này, dù đang cố gắng kêu gọi nhiều dự án PPP”.

Đồng quan điểm, TS Võ Kim Cương – nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM – cho rằng vấn đề tài chính đã ảnh hưởng lớn đến việc mở rộng các trục đường hướng tâm của thành phố. Theo ông, khó khăn nhất là vấn đề tài chính để giải tỏa mặt bằng. Ông dẫn chứng đường Cách Mạng Tháng Tám - một trong những con đường hướng tâm quan trọng nhất và kẹt xe khủng khiếp nhất TP, chưa thể mở rộng cũng bởi “trở lực” này.

TS Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM
TS Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM

“Trước đây, thành phố chỉ làm được 1 đường hướng tâm là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Lúc đó, tôi cũng phải giải trình trước HĐND TP vì sao tốn 2.000 tỷ đồng cho con đường mấy cây số. Lý do là giải tỏa mặt bằng. Hiện nay, có mấy con đường muốn mở mà không được là do tiền giải tỏa đắt hàng chục lần so với tiền xây công trình. Vì vậy không có tiền để làm”, ông Cương nói.

TS Cương nhận định, trong quản lý đô thị thì tài chính là rất quan trọng. Nhưng tiền ở đâu ra thì rất ít người nghiên cứu vấn đề này. Theo ông, ở một số nước, khi mở rộng đường thì dân sống 2 bên đường phải đóng tiền vì họ hưởng lợi từ việc giá trị đất đai tăng lên.

Còn ở Việt Nam thì ngược lại, khi Nhà nước mở rộng đường thì nhiều ngôi nhà trong hẻm trở thành mặt tiền mang lại nhiều tiện lợi, giá trị đất đai cũng tăng lên. Nhưng Nhà nước phải bỏ rất nhiều tiền để đền bù rất lớn. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án.

“Hiện nay, chúng ta chưa có chính sách tài chính để người dân trực tiếp tham gia vào phát triển hạ tầng. Nếu có chính sách đúng thì người dân phải góp đất để mở rộng đường vì họ được hưởng lợi nhiều”, ông Cương nói.

TS Cương cho biết, trước đây TP cũng từng áp dụng chính sách mở biên, bán đấu giá đất 2 bên đường để lấy tài chính xây đường như trường hợp đường Nguyễn Hữu Thọ.

“Nhưng thời đó, 2 bên đường Nguyễn Hữu Thọ là đất ruộng nên dễ làm. Còn bây giờ đụng vào đường nào cũng đông dân cư. Đây là bài toán khó và không ai muốn giải vì khó quá. Một viện kinh tế cũng từng có đề tài nghiên cứu ảnh hưởng giá đất liên quan đến lộ giới. Nhưng chỉ nghiên cứu vì luật chưa có. Song có luật đi nữa thì cũng phải nói cho người dân hiểu vấn đề này để có sự chia sẻ”, ông Cương nói.

GS.TSKH Nguyễn Trọng Hòa – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM – cho rằng TPHCM phải có được chính sách phù hợp với đô thị đặc biệt thì mới tạo ra phương án tài chính giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng.

GS.TSKH Nguyễn Trọng Hòa – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM
GS.TSKH Nguyễn Trọng Hòa – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM

Về việc mở biên đường, đấu giá đất lấy tài chính, ông Hòa nhận định thành phố đã làm một số chỗ nhưng chưa hoàn toàn thành công. “Chẳng hạn như lộ giới 60m thì xin thêm 50m mỗi bên để cho phép đấu thầu, tiền này sẽ dùng làm đường. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang lúng túng. Phải có chính sách hẳn hoi mới làm được. Mình chỉ mới giải tỏa biên là đất ruộng còn nhà chưa. Vì vậy phải pháp lý hóa”, ông Hòa thẳng thắn.

Song để làm được điều đó, GS Nguyễn Trọng Hòa cho rằng vấn đề chính sách cho người thuộc biên giải tỏa, đấu thầu… phải công khai, minh bạch và không được “nhá nhem lợi ích nhóm”.

“Phải phân tích rõ được quyền lợi của người dân theo từng vị trí giải tỏa. Lâu nay người dân không ủng hộ là vì thiếu minh bạch trong giải tỏa và đấu thầu đất. Dân nhìn thấy được thì sẽ ủng hộ, ra đi và được hưởng lợi chứ không phải lợi ích nhét vào chủ đầu tư và nhóm lợi ích. Nếu dám làm như thế thì sẽ có giải pháp”, ông Hòa nói.

GS Hòa cho rằng nếu không muốn xuất hiện nhà siêu mỏng, siêu méo mà thay vào đó là không gian đô thị thì phải quyết tâm và tạo phương án tài chính tốt. Ông dẫn chứng, ở Paris (thủ đô nước Pháp) và các nước châu Âu có chính sách tốt nên tạo nên những dãy phố rất khang trang, làm đẹp bộ mặt đô thị.

Theo GS Hòa, nếu có giải pháp tài chính tốt thì tương lai sẽ không phải tái hiện tình trạng nhà cao, thấp, siêu mỏng… như hai bên đại lộ Phạm Văn Đồng hiện nay.

Ông nói: “Họ mở đường lớn và xây luôn dãy nhà theo kiến trúc hai bên đường, ta cũng phải học như thế. Còn ở ta, hiện nay nhà mỏng, nhà bé tý ra mặt tiền. Nhà nước không thu được tiền, người dân cũng chẳng sướng gì khi ở trong những căn nhà như thế, khói bụi. Nếu mở đường 60m, nếu xây nhà có văn phòng, xây trung tâm thương mại, cây xanh thì quá đẹp… Chứ nhà 2 tầng mà ra mặt tiền đường 60m thì chẳng sung sướng gì”.

Ùn tắc giao thông thường xuyên trên đường Cộng Hòa
Ùn tắc giao thông thường xuyên trên đường Cộng Hòa

Song GS Hòa cân nhắc, đây là giải pháp nhưng không phải là tối ưu áp dụng với những khu dân cư hiện hữu. Trước thực tế khó khăn về vốn hiện nay, ông Hòa cho rằng nên bỏ lộ giới một số tuyến đường khu vực nhà ở đã quy hoạch mở rộng để ổn định dân cư. Nhưng đối với những tuyến đường hướng tâm như Cách Mạng Tháng Tám thì vẫn phải giữ quy hoạch. “Sau này có tiền, giải quyết vấn đề giao thông tốt rồi tính tiếp. Bây giờ hãy lo làm những tuyến đường xương sống, huyết mạch.”, ông Hòa nói.

Theo các chuyên gia, Trung ương nên hỗ trợ TPHCM xây dựng phương án tài chính đối với vấn đề giải phóng mặt bằng để thúc đẩy mở rộng đường cũ và quan trọng hơn là mở những con đường huyết mạch trong tương lai. Phát triển đô thị phải có hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, tạo điều kiện phát triển phương tiện giao thông công cộng.

Quốc Anh