Mỏ đất được đấu giá gần 68 tỷ đồng, cao gấp 54 lần giá khởi điểm
(Dân trí) - Mỏ đất san lấp 600.000m3 tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, có giá khởi điểm hơn 1,25 tỷ đồng, được doanh nghiệp đấu giá lên đến hơn 67,7 tỷ đồng, gấp hơn 54 lần giá khởi điểm.
Ngày 20/11, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Văn Tuân - Phó trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - cho biết, đơn vị đang chờ cơ quan tổ chức đấu giá chuyển hồ sơ để tham mưu UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt và thông báo trên phương tiện đại chúng cho đơn vị trúng đấu giá một mỏ đất 600.000m3.
Trước đó, ngày 15/11, Công ty Cổ phần đấu giá hợp danh Hòa Thuận (đơn vị được thuê thực hiện đấu giá) đã tổ chức cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất san lấp tại điểm mỏ ký hiệu ĐLBS-02, thôn An Lợi Tây, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc.
Sau 14 bước đấu, từ giá khởi điểm hơn 1,25 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Tiến An Đạt (đường Trần Phú, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) là đơn vị trả giá cao nhất hơn 67,7 tỷ đồng (cao hơn 54 lần so với giá khởi điểm) và là đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Ông Lê Đỗ Tuấn Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - cho biết, với giá trúng đấu giá hơn 67,7 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Tiến An Đạt, chia cho 600.000m3, giá 1m3 đất hơn 112.000 đồng.
Theo ông Khương, giá 112.000 đồng/m3 đất, cộng thêm các chi phí khác, giá sẽ lên khoảng 150.000-160.000 đồng/m3.
"Với giá này, nhà đầu tư có thể nộp tiền cấp quyền khai thác và đề nghị cấp giấy phép", ông Khương nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, trước khi đấu giá, lãnh đạo huyện cũng quán triệt một số nội dung, trong đó giá mà công ty trúng không phải là giá cuối cùng mà doanh nghiệp bán ra, mà còn có nhiều loại thuế, phí khác.
Lãnh đạo huyện Đại Lộc cũng cho biết, có 14 công ty tham gia đấu giá. Đến lúc đấu có 11 công ty tham gia. Huyện cũng kiểm tra hồ sơ pháp lý và vốn điều lệ để tránh lặp lại trường hợp đã xảy ra ở các địa phương khác, đặc biệt là vụ đấu giá mỏ cát ở thị xã Điện Bàn hồi tháng 10.
Để hạn chế tình trạng "bỏ của chạy lấy người" sau khi đấu giá hay có tình trạng nộp hồ sơ vào đấu giá chỉ để "phá", ông Lê Đỗ Tuấn Khương cho biết, theo quy chế thì thu tiền đặt cọc, nghiên cứu pháp lý có liên quan đề xuất hướng xử lý.
Về chế tài để tránh tình trạng "bỏ của chạy lấy người", ông Lê Đỗ Tuấn Khương cũng cho biết, sắp đến Trung ương sẽ sửa đổi luật khoáng sản. Hiện nay, quy định đặt cọc không quá 20% giá khởi điểm.
Theo ông Khương, vừa rồi có đề xuất đặt cọc theo vòng đấu, nếu giá lên 20 tỷ đồng thì nhà đầu tư cọc 400 triệu đồng; lên 50 tỷ đồng, cọc là 1 tỷ đồng…
"Làm thế nào để nhà đầu tư có năng lực thật sự, tránh tình trạng nhà đầu tư không có năng lực tham gia đấu giá rồi không thực hiện", ông Khương nói.
Một doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác khoáng sản ở Quảng Nam cho biết, với giá đấu 1m3 đất san lấp hơn 112.000 đồng/m3, sau khi đóng tất cả các loại thuế, phí… giá mỗi m3 đất san lấp lên đến 180.000-200.000 đồng/m3 tại mỏ, còn chi phí vận chuyển đến công trình chưa tính.
"Một mét khối đất tại mỏ phải hơn 200.000 đồng mới hòa vốn, vận chuyển đến công trình phải tầm 400.000-500.000 đồng/m3. Giá đất san lấp quá cao, phi thực tế", doanh nghiệp cho biết.