1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Mở cửa” bầu trời, biên giới: Phải xét nghiệm nhanh tại sân bay, cửa khẩu

Thái Anh

(Dân trí) - Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nhận định, trước mắt, để mở lại các chuyến bay thương mại thì phải thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có việc thay đổi chiến lược xét nghiệm…

Ngày 3/9, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 họp triển khai công tác phòng, chống dịch dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại cuộc họp, sau khi nghe Bộ Y tế báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới, công tác tổ chức xét nghiệm, các chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất sinh phẩm xét nghiệm và thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh tinh thần phải chung sống an toàn với dịch và thảo luận sâu về chiến lược xét nghiệm phù hợp với tình hình mới.

“Mở cửa” bầu trời, biên giới: Phải xét nghiệm nhanh tại sân bay, cửa khẩu - 1

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 họp ngày 3/9 (ảnh: VGP)

100 triệu dân, chống dịch chưa đến 400 triệu USD

Các đại biểu khẳng định, trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có vai trò quan trọng của công tác xét nghiệm, nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tính tới thời điểm hiện tại, với quy mô dân số gần 100 triệu dân, nhưng tổng chi phí dành cho công tác chống dịch chưa đến 400 triệu USD. Việt Nam không chỉ ngăn chặn dịch hiệu quả mà còn là một trong những nước chống dịch tiết kiệm nhất.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra là phải bảo đảm mục tiêu kép là vừa tổ chức phòng, chống dịch bệnh vừa phải bảo đảm phát triển kinh tế.

Trước mắt, với yêu cầu phải mở các chuyến bay thương mại để đón chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường các hoạt động giao lưu đem lại lợi ích cho quốc gia, các cơ quan phải thực hiện rất nhiều biện pháp, trong đó có chiến lược xét nghiệm.

“Mở cửa” bầu trời, biên giới: Phải xét nghiệm nhanh tại sân bay, cửa khẩu - 2
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trao đổi về một số nội dung về chiến lược xét nghiệm mới.

Các chuyên gia nhấn mạnh phải thay đổi chiến lược xét nghiệm theo hướng tổ chức xét nghiệm nhanh tại các cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu, địa điểm công cộng tập trung đông người để đẩy nhanh quá trình sàng lọc, phát hiện ca bệnh, không để sót, lọt các ca nhiễm.

Thực tiễn cũng cho thấy, để phục vụ phát triển kinh tế, các nước phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu… đã triển khai việc xét nghiệm nhanh để quản lý người nhập cảnh tại các cảng hàng không quốc tế.

Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, chiến lược xét nghiệm trong thời gian tới là phải sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên tại ở những địa điểm công cộng như sân bay, khu cách ly tập trung… với thời gian nhanh, kết quả chính xác; tiết kiệm thời gian, giảm chi phí xét nghiệm, sàng lọc người trong các khu cách ly, người nhập cảnh vào Việt Nam…; góp phần chống dịch hiệu quả.

Hiện nay, tại Việt Nam đã có các công nghệ và loại sinh phẩm cho xét nghiệm tìm kháng thể và kháng nguyên. Cụ thể, xét nghiệm nhanh tìm kháng thể có loại sinh phẩm sử dụng máy và loại không cần sử dụng máy. Nhược điểm của loại kit xét nghiệm nhanh tìm kháng thể là chỉ có độ nhạy, độ đặc hiệu cao đối với người nhiễm bị SARS-CoV-2 từ 7 ngày trở lên. 

Trong khi đó, xét nghiệm tìm kháng nguyên đang được thực hiện bằng phương pháp Realtime -PCR có thời gian thực hiện lâu, có yêu cầu cao về kỹ năng, quy trình thao tác.

Tăng năng lực xét nghiệm lên 9-12 lần

“Mở cửa” bầu trời, biên giới: Phải xét nghiệm nhanh tại sân bay, cửa khẩu - 3
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo quốc gia.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu chiến lược xét nghiệm mới, Thường trực Ban Chỉ đạo, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cho rằng cần đẩy mạnh phát triển các loại kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có ưu điểm của cả xét nghiệm nhanh tìm kháng thể và xét nghiệm tìm kháng nguyên theo phương pháp Realtime-PCR.

Các kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên phải dễ thao tác, có thể sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị hiện có, thời gian thực hiện ngắn hơn nhưng độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương hoặc cao hơn phương pháp Realtime-PCR hiện nay.

Hiện đã có 3 đơn vị tại Việt Nam đang nghiên cứu các kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên và đang ở những khâu cuối cùng để có sản phẩm.

Với đề xuất tận dụng được các máy móc, thiết bị sẵn có của các trung tâm y tế dự phòng, có thể tăng năng lực xét nghiệm lên từ 9-12 lần; đáp ứng nhu cầu xét nghiệm nhanh tại sân bay, bệnh viện… trong thời gian ngắn, lưu lượng lớn.

Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, sẽ ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp, hỗ trợ các đơn vị đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên phục vụ công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Ban Chỉ đạo cũng giao Bộ Y tế tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp triển khai tập huấn sử dụng các loại kit xét nghiệm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hiện nay.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, trong tuần này Bộ sẽ tham vấn các doanh nghiệp và tuần sau sẽ có báo cáo cấp có thẩm quyền về việc triển khai đề tài nghiên cứu sản xuất kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đề xuất, trong khi chờ sản phẩm sản xuất trong nước, trước mắt Việt Nam có thể xem xét nhập khẩu kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có chất lượng cao từ một số nước tiên tiến để sử dụng tại các sân bay, cảng hàng không.

Về các phương án sản xuất vaccine chống Covid-19, các chuyên gia thống nhất, trên tinh thần tự lực, tự cường, các đơn vị trong nước tăng cường nghiên cứu, tăng tính chủ động trong việc sản xuất vaccine trong phòng, chống dịch Covid-19.