Minh oan cho người chết rất khó!
(Dân trí) - “Minh oan cho người bị oan trong trại tạm giam đã khó, minh oan cho người chết oan trong đó còn khó hơn nhiều. Pháp luật cần quy định cụ thể cơ chế giải oan cho người đã mất, để thân nhân của họ phần nào nguôi đi đau khổ”, đại biểu Lê Minh Hiền nói.
Sáng 9/11, thảo luật tại hội trường dự án Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, một số đại biểu kiến nghị đưa hệ thống cơ sở tạm giữ, tạm giam về Bộ Tư pháp hoặc Tổng cục Thi hành án hình sự quản lý để đảm bảo tính độc lập với hoạt động điều tra. Việc này còn đảm bảo người bị tạm giữ, tạm giam không bị bức cung, nhục hình.
Các đại biểu còn đề xuất cơ chế minh oan cho người bị chết oan trong nhà tạm giữ, trại tạm giam.
Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng), không ít vụ việc bức cung, nhục hình đã xảy ra trong quá trình điều tra, nhất là giai đoạn tiền khởi tố đối với người bị tạm giữ, tạm giam. “Dù bức cung, nhục hình xảy ra không phải do người quản lý nhà tạm giữ, tạm giam thực hiện, nhưng để vụ việc xảy, phần nào đó họ vẫn có lỗi”, đại biểu Vinh nói.
Do vậy, vị đại biểu đoàn Hải Phòng đề xuất tách việc quản lý nhà tạm giam, tạm giữ ra khỏi cơ quan điều tra hình sự, cơ quan Công an cấp tỉnh, cấp huyện để bảo đảm khách quan. Điều này còn để tránh các cơ quan này lạm dụng bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra. Công tác tổ chức, quản lý giam giữ nên cho Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ.
Từ thực tế, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá có nhiều vụ bức cung nhục hình nhưng nạn nhân không tố cáo vì sợ hoặc cam kết không khiếu nại sau khi được trả tự do. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được đại biểu cho là nhà tạm giữ, tạm giam vẫn còn quá “gần gũi” với cơ quan điều tra.
Đại biểu Lê Minh Hiền (đoàn Khánh Hòa) lo ngại tình trạng chết người trong nhà tạm giữ, trại tạm giam. Theo đại biểu, Quốc hội đã yêu cầu Bộ Công an không để xảy ra chết do tự sát, chết do can phạm đánh nhau tại cơ sở giam giữ và làm rõ trách nhiệm của cán bộ liên quan. Tuy nhiên, thời gian gần đây vẫn xảy ra nhiều vụ việc người bị tạm giữ, tạm giam tự sát hoặc bị đánh chết.
Theo nữ đại biểu, để không ảnh hưởng đến quyền con người, luật cần quy định không được giam bị can, bị cáo cùng với những đối tượng đã bị kết án.
Đại biểu Hiền còn đề xuất Quốc hội khi xem xét thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự, cần có quy định minh oan cho người chết trong giai đoạn điều tra. “Minh oan cho người bị oan trong trại tạm giam đã khó, minh oan cho người chết oan trong đó còn khó hơn nhiều”, nữ đại biểu đoàn Khánh Hòa nói.
Theo bà Hiền, pháp luật tố tụng hình sự cần quy định cụ thể để giải oan cho người bị buộc tội oan, cho người đã mất, để người thân của họ phần nào nguôi đi đau khổ. Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành và dự thảo sửa đổi mới còn thiếu quy định minh oan cho người chết trong giai đoạn điều tra, truy tố.
“Trường hợp đó, luật hiện hành chỉ nêu đình chỉ vụ án với lý do người thực hiện hành vi nguy hiểm đã chết mà không tiếp tục điều tra để kết luận người bị buộc tội đó có bị oan hay không để giải quyết bồi thường oan sai”, đại biểu Lê Minh Hiền nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) cũng chỉ rõ, tình trạng chết trong quá trình tạm giam, tạm giữ khá nhiều do nhiều nguyên nhân, trong đó do tâm lý hoang mang của người bị tạm giam, tạm giữ và việc làm không đúng của cán bộ quản lý hay nhiều trường hợp bị… “đại bàng” đánh.
Do đó, đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho rằng, dự thảo cần tách quyền của người bị tạm giữ và người bị tạm giam để có chế độ giam giữ tương ứng, để hạn chế tình trạng tự sát trong quá trình tạm giam, tạm giữ.
“Quốc hội cần xem xét quy định minh oan cho người chết trong giai đoạn điều tra, truy tố”, đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) nói. Theo đại biểu Nam, người bị tạm giam, tạm giữ chưa được coi là có tội và nếu họ bị oan thì cũng không tự minh oan sau khi chết trong quá trình tạm giam, tạm giữ mà chỉ được coi là điều kiện chấm dứt quá trình tố tụng hình sự.
Để tránh những nghi ngờ không đáng có trong trường hợp người bị tạm giam, tạm giữ chết, đại biểu Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam) đề nghị, phải để người thân của họ chứng kiến việc giám định tử thi. Còn đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) yêu cầu quy định rõ trách nhiệm của người ký quyết định tạm giam, tạm giữ để xác định trách nhiệm khi có sự cố xảy ra trong buồng giam chung.
Quang Phong