Trại tạm giam còn thuộc công an thì còn… khuất tất (?!)
(Dân trí) - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cảnh báo, còn để trại tạm giam thuộc công an tỉnh, nhà tạm giữ nằm trong công an huyện thì còn khó tránh được khuất tất, vi phạm trong hoạt động giam giữ.
Dự thảo còn quy định cả quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam. Theo đó, họ có quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp nhưng bị hạn chế đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trong trường hợp cần giao dịch dân sự hợp pháp thì họ phải thông qua luật sư hoặc người đại diện theo pháp luật.
Dự thảo quy định tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn do cơ quan, người tiến hành tố tụng áp dụng đối với người bị bắt quả tang, truy nã, khẩn cấp và đối với bị can, bị cáo nhằm cách ly họ ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định để ngăn chặn họtiếp tục phạm tội, ngăn chặn hành vi trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử, cản trở việc xác định sự thật của vụ án hoặc để bảo đảm thi hành án.
Cả nước hiện có 400 nhà tạm giữ và hơn 100 trại tạm giam.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu yêu cầu luật xây dựng nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, nhất là tình trạng chết, bức cung, nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở nhà tạm giữ, trại tạm giam thời gian qua.
Cơ quan thẩm tra dự án luật đề nghị tổ chức các trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống dọc do Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục 8) thuộc Bộ Công an quản lý.
Về việc này, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga, cho biết nhiều năm qua, UB Tư pháp đã kiên trì kiến nghị tách nhà tạm giữ ra khỏi công an huyện và trại tạm giam khỏi công an tỉnh, đồng thời hoạt động độc lập theo hệ thống ngành dọc từ Tổng cục 8 xuống nhưng hiện nay, các trại tạm giam và nhà tạm giữ mới tách được phần quản lý nhà nước chứ còn thực tế thì vẫn như cũ. Bà Nga phân tích, 2 cơ quan này cùng hệ thống công an địa phương nên dễ “thông cảm”, “tạo điều kiện” cho nhau trong hoạt động lấy cung và sẽ không đảm bảo tính độc lập.
“Còn để trại tạm giam thuộc công an tỉnh, nhà tạm giữ nằm trong công an huyện thì còn khó tránh được khuất tất, vi phạm trong hoạt động giam giữ” – bà Nga cảnh báo.
Ở khía cạnh khác, Uỷ viên UB Tư pháp Phạm Xuân Thường cho rằng có thể giữ mô hình hiện hành nhưng luật phải quy định cho những người làm trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam trách nhiệm chống bức cung, nhục hình.
Ông Thường phân tích, nếu có quy định về trách nhiệm và chế tài cho những người này, chắc chắn chuyện bức cung, nhục hình trong các cơ sở giam giữ sẽ không xảy ra.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an - cũng cho rằng không nên thay đổi mô hình quản lý các cơ sở tạm giữ, tạm giam vì Bộ đã thành lập Cục quản lý, hướng dẫn tạm giam, tạm giữ, thuộc Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, trong khi các cơ quan điều tra của Bộ Công an thì thuộc Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát, các thủ trưởng hoàn toàn khác nhau, ở tỉnh, huyện cũng độc lập, hoàn toàn tách bạch và có sự kiểm soát lẫn nhau.
Ngoài ra, một vấn đề khác nhiều đại biểu lo ngại là dự thảo luật chưa làm rõ trách nhiệm của giám thị trại tạm giam, trưởng nhà tạm giữ và chế tài xử lý khi để xảy ra việc bức cung, nhục hình.
Tướng Lê Quý Vương thừa nhận dự thảo đã quy định một số nội dung nghiêm cấm nhưng vẫn cần phải làm rõ hơn về trách nhiệm của giám thị trại tạm giam, trưởng nhà tạm giữ và lãnh đạo các cấp quản lý.
P.Thảo