1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Miền Trung tan hoang sau bão

Bà Lê Thị Thu - ở thôn An Điềm, xã Bình Chương (Quảng Ngãi) như người mất vía. Ngôi nhà mà bà chắt chiu một đời giờ chỉ còn một đống bèo nhèo, gỗ và tôn còn lẫn trong bùn đất.

Bà dò dẫm trong bùn lầy để bòn mót chút ngô thừa bị nước lũ ngâm thối đã 2 ngày nay. "Tranh thủ trời hanh nắng, tôi đem hong khô số ngô này để có cái mà cầm hơi" - bà nói trong nước mắt.

 

Ông Phạm Hùng - Phó Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng ban Phòng, chống lụt bão huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi)- cho biết: "70 gia đình ở Bình Sơn này có nhà bị sập hoàn toàn, cũng rơi vào hoàn cảnh như bà Thu. Phần lớn những gia đình này đều neo đơn, đời sống vô cùng khó khăn. Những năm không bão lũ, họ cũng đã khó rồi, giờ thêm thiên tai như thế này là thêm ba - bốn lần khó cho họ".

 

Cũng theo ông Hùng, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và đi sát dân của các đồng chí lãnh đạo huyện, nên số người chết trong cơn bão chỉ có một. Dù vậy, đây cũng là trường hợp quá thương tâm.

 

Hai vợ chồng anh Đoàn Phương Quang (35 tuổi) và Lê Thị Thiện (34 tuổi) - quê xã Bình Chánh, thấy nước lũ lên nhanh, anh chị đem gửi 3 đứa con nhỏ sang nhà người bạn ở thôn Bình An Nội, với hy vọng là sẽ "bình an". Thế nhưng, trên đường trở về, gặp lúc bão vào, gió rất mạnh nên lật thuyền. Hai anh chị vật vã trong bão lũ để dìu nhau, nhưng cuối cùng chị đành phải buông tay chồng để anh sống nuôi con.

 

Chúng tôi đã phải đi hai lần đò mới tiếp cận được ngôi nhà của vợ chồng anh Quang giữa đồng không mông quạnh, trong bời bời nước lũ. Đồ đạc trong nhà chỉ còn lại mỗi chiếc giường, không một manh chiếu rách! Cả làng đi tìm xác chị Thiện, nhưng vẫn bặt tăm. Những đứa trẻ ngơ ngác như gà mất mẹ.

 

Anh Quang nhận 1 triệu đồng từ Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động, mắt rưng rưng: "Vợ chồng em dành dụm được vài triệu bạc, nhưng bị nước lấy hết rồi, các anh ơi!". Chúng tôi không dám nói gì thêm với người đàn ông đã dạn dày sóng gió này. Giờ anh đành phải chịu thua trước số phận của chính mình.

 

Phường Hoà Hiệp Nam, Đà Nẵng là nơi thiệt hại nặng nhất trong bão số 8. Hơn 100 ngôi nhà bị tốc mái hoặc sập đổ hoàn toàn. Do sóng lớn, triều cường và sóng biển dâng cao, vây kín cửa biển Nam Ô, gây ngập lụt cục bộ. Toàn bộ nước lũ từ đầu nguồn sông Cu Đê đổ về dồn hết vào phường Hoà Hiệp Nam, Hoà Hiệp Bắc và thôn Thuỷ Tú.

 

Tại cửa biển Nam Ô, thuỷ triều xâm thực vào đất liền hơn 50m, hàng chục nhà dân bị đe doạ đổ xuống biển dù bão số 8 đã đi qua. Song song với gió bão, lũ và triều cường đã làm ngập hàng trăm nhà dân xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang. Sáng 2/11, hàng trăm chiến sĩ thuộc Đoàn 75, Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng đã giúp dân dọn dẹp nhà cửa, thông đường, dựng trụ điện...

 

Tại TT-Huế, đến trưa ngày 2/11, người ta đã tìm được xác 2 cán bộ của Cty cổ phần thuỷ điện Hương Điền, bị lũ cuốn trôi trong đêm 1/11 ở địa phận xã Hương Vân, huyện Hương Trà, gồm Bạch Trường Thi và Hoàng Quang Thương.

 

Tại huyện Nam Đông, có 17 người dân thuộc hai xã Hương Hữu và Thượng Nhật của huyện đi rừng từ ngày 31/10 bị mất tích, đến nay vẫn chưa tìm thấy. Tại xã Hương Phong, huyện Hương Trà, người dân đã cứu sống một thanh niên khoảng 25 tuổi, bị lũ cuốn trôi trong đêm 2/11, nhưng đến giờ vẫn chưa xác định được tên tuổi, quê quán, vì người này có biểu hiện mất trí vì quá hoảng sợ. 

 

Ngay trong sáng 2/11, các lực lượng bộ đội, công an và chính quyền địa phương các cấp đã triển khai giúp dân dựng lại nhà cửa, cứu trợ khẩn cấp cho các hộ dân phải di dời tránh bão và các vùng bị lũ chia cắt. Ngành y tế cũng đã triển khai tổng vệ sinh môi trường, giúp dân các vùng ngập lũ xử lý nước, diệt muỗi... để phòng chống dịch bệnh.

 

Một lần nữa, miền Trung gánh chịu thiệt hại nặng nề về người, tài sản. Và như vậy, một lần nữa miền Trung rất cần những tấm lòng vàng.

 

Theo Lao Động

Dòng sự kiện: Bão số 8