1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Miền Trung khô rang vì hạn

Trời nắng như đổ lửa, các cánh đồng nứt toác, sông ngòi đa số nhiễm mặn. Con người đã phải lấy nước "chết" ở các hồ thủy lợi để duy trì sự sống cho mình và đàn gia súc. Các tỉnh miền Trung đang trải qua mùa khô hạn nhất từ năm 1998 đến nay.

Không có lũ tiểu mãn, từ tháng 6 đến nay, Quảng Bình hầu như không mưa, trời lại nắng gắt nên 1/6 dân số của tỉnh (khoảng 135.450 người) đang khắc khoải vì thiếu nước sinh hoạt. Những cư dân vùng cồn cát giữa sông Gianh, sông Nhật Lệ và các xã miền núi của huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa đã phải tằn tiện từng gàu nước. Sau khi tắm cho người, nước được tái sử dụng để làm vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.

 

Theo ông Nguyễn Xuân Dung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, nghiêm trọng nhất là xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch, bà con phải qua đò, rồi cuốc bộ tới 5 km mới có thể lấy nước uống từ các khe núi. Giá nước sinh hoạt hiện là 2.000 đồng/can 20 lít, một số nơi đội lên 5.000 đồng. "Hạn năm nay phải tương đương 1998, năm có El Nino, và còn khắc nghiệt hơn vì diện lan rộng. Trước chỉ hạn ở huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, nay lấn sang cả Bố Trạch, Minh Hóa", ông Dung so sánh.

 

Con người khát, cây trồng cũng đang héo rũ. Ông Dung cho biết, thấy trước khả năng hạn nên tỉnh đã giảm hơn 1.000 ha lúa (còn 16.890 ha), nhưng hiện có tới 10.000 ha lúa mới được 2 tháng tuổi đang thiếu nước. Một nửa số diện tích ấy có khả năng mất trắng do không tìm được nguồn nước, trong khi đồng ruộng nứt nẻ, có nơi vết nứt bằng cổ tay người lớn.

 

Tỉnh Quảng Bình đã phải bơm nước chết từ các hồ Cẩm Ly, Vực Nồi, Đồng Ran, hỗ trợ kinh phí để nhân dân đào thêm giếng, khơi sâu thêm các kênh mương. "Mặc dù biết hạn sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây, giảm năng suất, nhưng chúng tôi cũng phải cố gắng huy động tối đa các nguồn nước để cầm cự khoảng 8.000 ha lúa. Hiện lúa vẫn xanh, nhưng chỉ 1 tuần không nước là úa vàng ngay", ông Dung nói.

 

Tại Quảng Ngãi, khô hạn cũng đang diễn ra gay gắt, căng thẳng nhất là huyện đảo Lý Sơn. Anh Hùng, cán bộ Phòng Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho hay giữa bốn bề là biển cả, bà con chủ yếu sống nhờ nước mưa và một số giếng đào. Nhưng mấy tháng nay trời không mưa, giếng khô hạn, có khơi thêm cũng là nước mặn nên 100 hộ gia đình trên huyện đảo đang khát đến cháy cổ.

 

"Nước ở huyện đảo quý như vàng. Bà con nâng niu từng giọt, bởi để đến với Lý Sơn lúc này, những giọt nước đó đã phải vượt qua 30 km đường biển", anh Hùng giải thích. Cũng vì thiếu nước nên bà con đành bỏ hoang 180 ha đất vốn chuyên trồng hành tỏi, chỉ trồng 120 ha cây chịu hạn như vừng, dưa hấu, ngô. Tuy nhiên, 2/3 diện tích ấy cũng đang khô cháy, không có khả năng thu hoạch.

 

Theo ông Nguyễn Đình Ninh, Cục phó Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quảng Bình, Quảng Ngãi chỉ là 2 trong số hàng chục tỉnh suốt dải miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận đang trải qua mùa hạn. Năm nay, hạn căng thẳng hơn vì không có lũ tiểu mãn. Trong khi đó, 6 tháng qua, lượng mưa ở miền Trung chỉ đạt 40-60% so với trung bình nhiều năm. 10 ngày tháng 7, mưa không đáng kể, Đông Hà (Quảng Trị) chỉ 1 mm, Quảng Ngãi 4 mm, Quy Nhơn 2 mm...

 

Dự báo về tình hình khô hạn trong thời gian tới, ông Ninh cho rằng sẽ còn căng thẳng đến hết tháng 7, sang tháng 8 mới hy vọng có mưa. Sau đó, miền Trung sẽ bước vào mùa lũ. Còn ông Nguyễn Xuân Dung, Giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Bình thì nói: "Theo kinh nghiệm của bà con, vào những năm như thế này, xác suất mưa rơi vào tháng 7 và nửa đầu tháng 8 là rất ít. May ra phải đến 15/8 mới có mưa, chấm dứt khô hạn".

 

Trong khi chờ mưa, giải pháp được Bộ Nông nghiệp chỉ đạo các địa phương vẫn là cân đối nguồn nước, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, lùi thời vụ gieo cấy đến khi có mưa; quản lý chặt nguồn nước, ưu tiên cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc; khoan, đào thêm giếng và khơi sâu các kênh mương dẫn nước.

 

Đầu tuần này, Bộ Nông nghiệp đã cử 2 đoàn công tác, một do Thứ trưởng Phạm Hồng Giang, một do Cục trưởng Thủy lợi Phạm Xuân Sử đi thị sát và chỉ đạo công tác phòng chống hạn ở miền Trung.

 

Theo VnExpress