1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Miền Trung gồng mình chống hạn

(Dân trí) - Các hồ chứa nước xuống mực nước chết, nước mặn xâm nhập sâu khiến cho người dân miền Trung vốn đang phải oằn mình gánh chịu cái nóng gay gắt nay lại phải gồng mình chống hạn và khát.

Miền Trung gồng mình chống hạn  - 1
Người dân múc từng gầu nước để chống hạn cho hoa màu.
 
Theo thống kê của Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, bắt đầu vụ sản xuất hè thu năm 2010 đến nay, tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, ít mưa, lượng nước bốc hơi lớn, trong khi lại không xuất hiện lũ tiểu mãn nên gây ra tình trạng khô hạn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Trong đó diện tích gieo sạ chỉ được 3.300 ha giảm 143,1ha do khô hạn.

Dự kiến, trong thời gian tới sẽ không mưa, nắng nóng kéo dài có thể lên trên 40 độ C, toàn bộ các hồ chứa nước của Đà Nẵng đang xuống mực nước chết, diện tích gieo sạ vụ hè thu sẽ thiếu nước là 1.318 ha.

Đặc biệt, tình hình nguồn nước tưới và nguồn điện của Đà Nẵng đang ở mức báo động đỏ. Do đó, ảnh hưởng đến việc bơm nước chống hạn cho các địa phương, nông dân các tỉnh miền Trung đang đứng trước nguy cơ mất trắng hàng vạn ha lúa và hoa màu.
 
Miền Trung gồng mình chống hạn  - 2
Các hồ chứa nước trơ đáy!
 
Trong khi đó, tại Quảng Nam tình hình cũng không kém nghiêm trọng. Hạn hán kéo dài, nhiều dòng sông trơ đáy, đồng ruộng khắp nơi khô cháy, vụ mùa nguy cấp...

Vụ hè thu này, tình trạng khô hạn, nhiễm mặn sẽ còn khốc liệt hơn. Nhiều khả năng toàn tỉnh sẽ có gần 11.000 ha lúa, rau màu thiếu nước tưới trầm trọng.

Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết: Nếu sông Kôn bị cạn kiệt, mực nước tại các hồ chứa xuống thấp thì rất nhiều khả năng hơn 1.000 ha lúa và rau màu sẽ bị thiếu trầm trọng nguồn nước tưới.

Ngành nông nghiệp huyện Điện Bàn cho rằng, nếu các dòng sông tiếp tục cạn kiệt và nhiễm mặn thì trong tổng số 8.600 ha lúa, hoa màu của huyện sẽ có ít nhất 2.215 ha bị thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Tại huyện Duy Xuyên hiện huyện có tổng cộng 8 hồ chứa, 25 đập dâng, 40 trạm bơm điện phục vụ nước tưới cho 3.600 ha lúa và 3.300ha hoa màu. Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp thì khoảng 1/3 diện tích đất canh tác sẽ khô hạn nặng.

Nhiều huyện khác của tỉnh Quảng Nam cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Vì thế, tỉnh Quảng Nam đã chuẩn bị gần 300 triệu đồng để khi cần sẽ triển khai ngay việc dùng 200 rọ đá làm đập bồi ngăn các dòng suối, lắp đặt 10.000 m ống nhựa đưa nước về giải hạn cho ruộng đồng...

Tại các huyện vùng cao của Quảng Nam, hàng loạt sông hồ trơ đáy do hạn hán. Hạn hán cũng làm mực nước ở các thủy điện xuống rất thấp, nhiều thủy điện đứng trước nguy cơ tạm ngừng hoạt động vì mực nước trong các hồ chứa xuống dưới mực nước chết.
 
Miền Trung gồng mình chống hạn  - 3
Các sông suối cũng cạn kiệt, trơ đáy!

Tại xã Ba, xã Tư, huyện Đông Giang, Quảng Nam, các sông hồ lớn đều trơ đáy, lộ rõ những bãi cát đá dưới lòng sông. Dòng sông Vàng chảy qua địa phận hai xã này cạn khô kỷ lục trong vòng hơn 20 năm trở lại đây.

Tại thủy điện Za Hưng, Đông Giang, mực nước xuống thấp đến nỗi hiện thủy điện hoạt động cầm chừng, đoạn sông phía dưới đập thủy điện có lúc trơ đáy chưa từng thấy. Hàng loạt nương rẫy canh tác của người dân hai bên bờ sông cũng thiệt hại nặng nề do thiếu nước tưới.

Hệ thống nước tự chảy, vốn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho các xã vùng cao Đông Giang, Tây Giang, cũng bị ảnh hưởng nặng nề của hạn hán. Các vòi nước công cộng lâu ngày không có giọt nước nào chảy qua, bể nước khô cạn đến nỗi cỏ dại xâm lấn vào cả lòng bể.

Cá biệt có những thôn ở trên đỉnh đồi như thôn Xà Ơi 3 của xã Avương, hơn 20 hộ dân phải hứng từng thùng nước từ một vòi nước tự chảy yếu ớt, người dân phải đi xa hàng cây số xuống sông, suối để tắm giặt.

Lợi dụng sông suối cạn trơ đáy, hàng trăm hộ dân vùng cao đổ xô nhau đào đãi vàng tại các con sông. Trong số đó có rất đông trẻ em. Tình trạng này rộ lên ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự, bên cạnh đó là rất nhiều hiểm họa tiềm tàng.

Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay toàn tỉnh có đến 10.435ha đất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng của hạn hán. Trước tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đã ký phê duyệt phương án chống hạn cho vụ hè thu với tổng kinh phí lên đến 8,198 tỷ đồng cho 18 huyện, thành phố.

Để chống hạn, ngoài triển khai lắp đặt hệ thống bơm điện có công suất nhỏ rải khắp các cánh đồng, các địa phương còn triển khai đắp đập ngăn mặn để tích nước từ thượng nguồn đổ về bơm phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt.

Còn tại Thừa Thiên Huế, dọc theo huyện miền biển từ Phú Vang đến Phú Lộc cũng đang phải chịu cái nóng hầm hập như thiêu đốt. Quang cảnh tiêu điều của đồng ruộng, nước và cây cối đã minh chứng rõ ràng nhất nạn hạn hán đã “chạm” đến dải đất thuận hòa này.

Tại huyện Phú Vang, đặc biệt ở vùng Phú Diên, Vinh Thanh, hơn 160ha lúa đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi hạn hán với dấu hiệu vàng lá, úa rũ, đất bắt đầu khô.

Đi dọc từ ngã ba đường tránh Huế - Đà Nẵng - Quảng Trị thuộc thị xã Hương Thủy, thẳng tiến đến cầu Trường Hà. Dọc đường, chúng tôi chứng kiến có nhiều ruộng lúa đổ màu vàng úa, nhiều ruộng khác chờ gieo mạ đã không thực hiện được nữa do đất đóng lại từng lớp quá cứng. Hai bên đường, nhiều đám cây cỏ cháy đen, lẫn với gốc bạch đàn trơ trụi lá vì nắng nóng.

Tại Vinh Hiền, xã cuối cùng nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang Cầu Hai, người dân chưa hết buồn vì tôm chết sạch do dịch chưa đầy một tháng, thì đã phải gánh chịu tình trạng cá hồng, cá mú, dìa, nâu… chết hàng loạt vì quá nóng.

Tại thôn Hiền Vân 2 và Tân Vinh, gần 30 hộ có cá nuôi đã bị chết gần hết. Khu vực nuôi cá gần bờ đã không còn nữa vì nước đã đặc lại - khô quánh thành vũng.

Và vấn nạn nước ngọt, ngày càng hiếm tại đây vì nguồn chảy trong núi Túy Vân đã cạn dần. Vì thế xuất hiện thêm nghề gánh nước ngọt thuê lấy từ các nguồn giếng tại nhà hay ở núi, sau đó đi bán cho những chỗ khô hạn với giá 2.500 đồng/20 lít nước.

Theo ông Nguyễn Ngọc Duy, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thủy lợi, Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh hiện đang có hơn 2.000ha lúa bị hạn nặng. Nếu 15 ngày sắp tới, trời không mưa, toàn bộ số lúa này sẽ có nguy cơ bị chết.

Trong đó, nhiều nhất là tại huyện Phú Lộc rồi tới huyện Phong Điền, Hương Trà. Tại huyện Phú Lộc, hơn 550 ha trong tổng số 1.200 ha lúa bị gặp hạn, phân bố tại các xã ven biển và các xã vùng gò đồi. Nguyên nhân chính là do mực nước ngầm xuống thấp, các đập dâng hết nước.

Hiện tại, sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo chặt chẽ với các huyện để điều tiết nguồn nước. Trong đó, đã xả nước trong hồ Truồi, tạo nguồn nước bổ sung cho 7.000ha lúa vùng nam sông Hương.

Nếu tình hình hạn hán vẫn diễn ra nghiêm trọng, trong 15 ngày tới trời không có mưa, sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế sẽ yêu cầu nhà máy thủy điện Hương Điền xả nước (hiện đang tích nước lấy điện) để vùng đồng bằng có nước, nhằm cung ứng đủ cho gần 2.000 ha lúa trước nguy cơ chết cháy.

Công Bính - Thành Công - Đại Dương