Miền Trung “bỏng nắng”
(Dân trí) - 5h chiều một ngày đầu tháng 7, đường đến thôn Trung Hải, xã Kỳ Hải (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn gắt nắng, gió tây nam rát nóng. Hai bên đường, kênh mương khô rang, lúa vàng úa, khô héo, mặt ruộng nứt nẻ. Một vài đám ruộng đã trở thành sân bóng của lũ trẻ.
Nắng nóng liên tục kéo dài tại miền Trung đã làm mực nước nhiều sông, kênh, hồ thủy lợi cạn kiệt, hàng chục ngàn ha lúa hè thu đến kỳ đẻ nhánh bị khô hạn, chết cháy. Người dân và gia súc thiếu nước uống và nước sinh hoạt.
Lúa, tôm “khát cháy”
Ông Nguyễn Tiến Doanh (60 tuổi, thôn Trung Hải, xã Kỳ Hải) cùng vài người nông dân khác rầu rĩ, bó gối nhìn đám lúa “khát” nước, đang chuyển sang mầu vàng, than thở: “Chưa khi mô mà nắng gắt và gió tây nam kéo dài như năm ni. Lúa đang cần nước đẻ nhánh mà ruộng khô rang, nứt nẻ. Tình trạng ni kéo dài thêm vài bữa nữa mà không ép nước về được thì coi như ông trời đã thu hoạch trước”.
Những cánh đồng lúa của xã Kỳ Thư kế bên cũng chịu cảnh “khốc liệt”, khi 125/155 ha lúa héo rũ chờ nước, hàng chục ha đồng tôm cũng đang thiếu nước.
Xóm 1 “khát” nước nhất, Trưởng xóm Võ Xuân Tơn cho biết: 100% diện tích lúa đang bị “cháy”, một nửa số người dân và gia súc đang thiếu nước uống và sinh hoạt. Người dân ở đây có sáng kiến dùng nước giếng khoan tưới cho lúa ở những ruộng gần nhà, nhưng chẳng bõ bèn vì, nước tưới đến đâu, bốc hơi đến đó.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết, do nắng nóng kéo dài và dòng sông Trí bị chặn để làm đập, nên nguồn nước tưới cho gần 500 ha lúa của bốn xã (Kỳ Hải, Kỳ Thư, Kỳ Hoa, Kỳ Châu) và thị trấn Kỳ Anh bị cạn kiệt. Ngoài lúa, cả nghìn ha màu và diện tích nuôi trồng thủy sản trông nước từng giờ. Mặc dù Công ty khai thác công trình thủy lợi Sông Rác và Ban quản lý thượng nguồn sông Trí đã tổ chức nạo vét kênh dẫn nước và đặt thêm ba máy bơm loại 300 m3/giờ để chống hạn, nhưng do không có nguồn nước, nên đập dâng sông Trí cũng cạn dần và nằm dưới thấp so với vùng hạn.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh Ngô Ðức Hợi cho biết: Nắng nóng kéo dài đã làm 2.350 ha lúa cùng hàng nghìn ha màu của 73 xã, thị trấn bị hạn nặng. Trong đó, nhiều nhất ở huyện Thạch Hà, Kỳ Anh cùng 500 ha, Hương Sơn 300 ha, Cẩm Xuyên và thị xã Hồng Lĩnh 200 ha...
Ép nước cứu lúa
Tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực triển khai các giải pháp giúp các địa phương chống hạn. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh Trần Quốc Hùng, trước mắt các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp như huy động hàng nghìn lao động để nạo vét kênh mương, điều tiết lại nguồn nước, tiết kiệm nước; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo, đề nghị các địa phương cân đối nguồn nước, chủ động phối hợp, hợp đồng với các công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi (Kẻ Gỗ, Sông Rác, Linh Cảm...) có nguồn nước chống hạn một cách hợp lý.
Trạm bơm của các công ty Thuỷ nông Can Lộc, Linh Cảm hoạt động hết công suất những ngày qua.
Lãnh đạo huyện Kỳ Anh cùng ngành nông nghiệp, Khu kinh tế Vũng Áng và nhà máy nước phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp tại Vũng Áng cũng góp sức đẩy nước thô từ đường ống dẫn xuống thẳng sông Trí, sau đó bơm ép nước về các vùng bị hạn nặng.
Dù vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh vẫn lo ngại, trong 10 đến 15 ngày tới, nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, nền nhiệt độ cao, kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh thì số diện tích bị hạn của toàn tỉnh sẽ lên đến 10.000 ha, và số lúa chết do nắng hạn sẽ không nhỏ.
Cần nói thêm, Hà Tĩnh là một trong những địa phương được Trung ương ưu tiên khá nhiều hệ thống thủy lợi (gần 400 hồ đập lớn nhỏ, với sức chứa hơn 700 triệu m3 nước). Nhưng do hệ thống quá cũ, lạc hậu cùng với việc buông lỏng quản lý, điều hành nên phần nhiều công trình nhanh chóng xuống cấp, việc khai thác, phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp đạt hiệu quả thấp.
Tại Quảng Bình, theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh này, toàn tỉnh có khoảng 1.000ha lúa đang bị thiếu nước trầm trọng. Hiện tại, Sở đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương phối hợp, giúp nhân dân chống hạn cứu lúa.
Tại Thanh Hóa: Nắng nắng kéo dài đã làm cho hơn 6.000 ha (chiếm khoảng 4% trong tổng số 136 ngàn ha của tỉnh Thanh Hóa) chưa thể xuống giống được, trong đó riêng huyện Tĩnh Gia là gần 800 ha, còn lại là rải rác ở 11 huyện miền núi khác.
Ông Hoàng Hồng Phượng, Trưởng phòng trồng trọt, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết: “hầu hết những diện tích lúa đã xuống giống trên địa bàn không bị ảnh hưởng do những đợt nắng nóng vừa qua, tuy nhiên vẫn còn một số diện tích chưa cấy được, hiện chúng tôi cũng đang tích cực chỉ đạo các địa phương nhanh chóng đưa nước về để xuống giống cho kịp thời vụ”.
D.Tuyên - H.Kỹ. N.Duy |
Văn Dũng - Thành Châu - Minh San