Microsoft sẽ đầu tư vào nhân lực công nghệ thông tin
(Dân trí) - Hôm nay 21/4, Bill Gates ông vua của máy tính và là người giàu nhất thế giới đặt chân đến Việt Nam. Sự kiện Bill Gates đến Việt Nam sẽ mang đến điều gì và cơ hội sẽ đến với ai? Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Christophe Desriac - trưởng đại diện của Microsoft tại Việt Nam.
Microsoft nhận định như thế nào về thị trường công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) Việt Nam hiện nay, đặc biệt là thị trường phần mềm?
Thị trường phần mềm trong nước cũng như xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu khởi sắc với các hợp đồng cho một số công ty Mỹ, Nhật cho thấy hướng đi đúng trong việc xây dựng công nghiệp phần mềm Việt Nam. Tuy nhiên, một số khó khăn đã nảy sinh, như thiếu nguồn lập trình viên cao cấp, thạo ngoại ngữ hay vấn đề tôn trọng bản quyền phần mềm. Đặc biệt, tôi nhận thấy Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc ứng dụng và phát triển CNTT tại Việt Nam. Cuộc gặp giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch Microsoft Bill Gates tại Mỹ vào tháng 6 năm 2005 cũng như một số cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Việt Nam và Microsoft đã cho thấy rõ quyết tâm này của Việt Nam.
Thị trường này sẽ thay đổi như thế nào sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thưa ông?
Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới - WTO trong thời gian tới sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của ngành CNTT và truyền thông Việt Nam. Khi đã là thành viên của WTO, các nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam - một thị trường đã có chứng chỉ quốc tế về đầu tư, đảm bảo cho sự hợp tác phát triển lâu dài.
Một trong những vấn đề nhạy cảm khi gia nhập WTO là phương thức đầu tư vào dịch vụ viễn thông của các công ty đa quốc gia, thị trường này mở đến đâu. Viễn thông là một nền tảng quan trọng cho sự phát triển của CNTT, vì vậy, cần nhìn nhận việc gia nhập WTO trên một phương diện rộng của sự tác động đến nền kinh tế Việt Nam.
Intel đã xây dựng nhà máy tại Việt Nam - điều này có tác động gì đối với chiến lược kinh doanh của Microsoft tại Việt Nam? Định hướng phát triển của Microsoft tại Việt Nam trong thời gian tới?
Hình thức đầu tư của Intel và Microsoft có một chút khác biệt. Microsoft đầu tư vào nguồn lực con người để làm ra các sản phẩm phần mềm vì vậy chúng tôi cần phải có những nghiên cứu đánh giá và tìm hiểu trên các quốc gia khác nhau. Việt Nam có một môi trường đầu tư rất ổn định và hấp dẫn. Điều tôi ấn tượng nhất đó là con người Việt Nam: Việt Nam có nguồn nhân lực đông, trẻ và có tri thức, đây là một ưu thế lớn để phát triển CNTT.
Microsoft cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển CNTT tại Việt Nam, tạo ra một thị trường CNTT mạnh trong nước và tự tin gia nhập WTO, điều này đã được thể hiện trong biên bản ghi nhớ ký với Bộ Bưu chính viễn thông tháng 4/2005.
Trước mắt việc hợp tác sẽ tập trung vào các lĩnh vực như đào tạo và nâng cao kĩ năng của lớp trẻ để góp phần vào chiến lược giảm khoảng cách số giữa Việt Nam và các nước khác. Ngoài ra tôi nghĩ rằng sẽ có thêm nhiều công ty về công nghệ thông tin đến kinh doanh tại Việt Nam.
Microsoft đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần ở Việt Nam, song cũng phải đối mặt với nạn vi phạm bản quyền. Chuyến thăm của ngài Bill Gates có nhằm mục đích đưa ra các biện pháp cải thiện tình hình này không?
Việc thực thi bản quyền phần mềm còn có tác động trực tiếp đến sự phát triển Công nghiệp phần mềm của Việt Nam. Sẽ không một công ty nào muốn mua phần mềm của một công ty Việt Nam khi biết rằng nó được phát triển dựa trên các công cụ phần mềm sao chép. Và liệu các công ty phần mềm trên thế giới có muốn đầu tư lớn tại Việt Nam khi biết rằng sản phẩm của mình được sao chép rộng rãi?
Ngay các công ty Việt Nam làm phần mềm cho thị trường nội địa hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn do tình trạng vi phạm bản quyền. Đối với Microsoft, vào năm 2005, chúng tôi đã đưa ra giao diện tiếng Việt cho hệ điều hành Windows và bộ Office. Trong thời gian tới phiên bản hệ điều hành tiếng Việt - Windows Starter Edition - cũng sẽ được sử dụng bởi các nhà lắp ráp máy tính Việt Nam, nhiều máy tính có giá phù hợp với các đối tượng có thu nhập trung bình và những người mới sử dụng máy tính.
Chúng tôi còn đưa ra các chương trình trang bị phần mềm cho khối chính phủ và giáo dục với giá rất ưu đãi. Chúng tôi hi vọng rằng những chương trình Việt hoá này sẽ giúp cho nhiều đối tượng khác nhau có thể sử dụng máy tính một cách hiệu quả, thị trường dần quen với việc tôn trọng sở hữu trí tuệ. Mong muốn của Microsoft là giúp cho Công nghiệp phần mềm của Việt Nam ngày càng phát triển và trở thành một ngành kinh tế mạnh của Việt Nam trong tương lai gần.
Xin cảm ơn ông!
Mai Minh - Hồng Hạnh thực hiện