Bill Gates đã đến Việt Nam
(Dân trí) - Vào lúc 22h50 tối 21/4, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft, Bill Gates đã đặt chân xuống sân bay Nội Bài, bắt đầu cho chuyến thăm kéo dài hai ngày với một kế hoạch làm việc dày đặc và mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng CNTT Việt Nam.
Không như thông báo, máy bay chở Bill Gates hạ cánh xuống sân bay Nội Bài chậm hơn 3 tiếng so với dự định (19h30). Đón Bill Gates tại sân bay có ông Vũ Đức Đam - Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông và ông Christopher Desriac, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, cùng nhiều các quan chức khác.
Khác với hình dung ban đầu, lễ đón Bill Gates diễn ra hết sức giản dị và nhanh chóng. Vị tỷ phú giàu nhất thế giới xuất hiện với nụ cười quen thuộc, mặc áo màu nhạt và không đeo cravat. Lễ đón được tổ chức ngay khu vực máy bay hạ cánh. Bill Gates nhanh chóng lên chiếc xe Mercedes biển số 29F-7131 đi ra cổng số 2 và về thẳng khách sạn Hilton. Theo quan sát của phóng viên, thậm chí rất nhiều nhân viên của sân bay Nội Bài cũng không biết đến sự kiện đặc biệt này.
Hộ tống Bill Gates về khách sạn chỉ có 1 xe ô tô cảnh sát cùng 2 mô tô cơ động. Đoàn xe đi theo 1 lộ trình khá đặc biệt. Thay vì theo đường Thăng Long - Nội Bài qua Cầu Giấy vào nội thành (bố trí rất đông các lực lượng cảnh sát bảo vệ), đoàn xe lại rẽ sang phía nam Thăng Long qua Yên Phụ về khách sạn. Đoàn xe đi với tốc độ cao cộng với trời mưa trơn và đường xấu khiến 2 chiếc mô tô cảnh sát hộ tống và xe của khá nhiều phóng viên bị rớt lại.
Bill Gates về đến khách sạn vào lúc 23h25 phút. Tại đây các nhân viên an ninh người Việt đã nhanh chóng đưa ông vượt ra khỏi vòng vây của báo giới. Bill Gates sẽ ở phòng VIP dành cho cấp nguyên thủ quốc gia của khách sạn trong suốt thời gian lưu lại Việt Nam.
Đầu giờ sáng 22/4, từ 8h15 - 8h45, Bill Gates sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Phan Văn Khải và ngay sau đó ông sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Từ 9h40 - 11h00, ngài chủ tịch tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới sẽ có buổi nói chuyện với sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tại đây, các sinh viên CNTT sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng “thần tượng” của mình trong buổi giao lưu thân mật kéo dài hơn một tiếng đồng hồ.
Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm chính thức tới VN, Chủ tịch kiêm kiến trúc sư Trưởng tập đoàn Microsoft Bill Gates sẽ ký kết một Thoả thuận Cung cấp Bản quyền Phần mềm với Bộ Tài chính Việt Nam. Lễ ký diễn ra vào lúc 12h15 tại Khách sạn Hilton.
Buổi chiều cùng ngày, từ 13h50 - 15h00 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Bill Gates sẽ có buổi nói chuyện với cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Chủ đề của buổi nói chuyện này là: “Tương lai của phần mềm Việt Nam với tầm nhìn mới”. Tiếp sau đó, Bill Gates sẽ có buổi làm việc với Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT từ 15h05 - 16h05.
Ông Gates cũng sẽ có chuyến thăm điểm "Bưu điện Văn hoá xã" điển hình lúc 16h30 tại Nhà văn hoá Xóm Tư, thôn Dương Sơn, xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Cũng tại đây, Bill Gates sẽ khởi động Dự án oneclick và gặp gỡ báo chí.
Trả lời phỏng vấn của báo chí, Bộ trưởng Bưu chính - Viễn thông, Đỗ Trung Tá, cho biết chuyến thăm của Bill Gates là một tín hiệu rất đáng mừng đối với nền CNTT Việt Nam, hy vọng sau chuyến thăm này, ông chủ tập đoàn Microsoft sẽ hiểu Việt Nam hơn và thấy được quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực đứng tên trên bản đồ CNTT thế giới.
Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thì cho biết ông có ấn tượng rất sâu sắc về Bill Gates từ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải hồi năm ngoái. Ông Lộc cho rằng rất có thể Bill Gates sẽ coi Việt nam là đối tác tiềm năng của Microsoft trong việc phát triển CNTT, nhất là trong lĩnh vực phần mềm.
Cùng chung ý kiến nhận xét với hầu hết cộng đồng CNTT Việt Nam, ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, cũng cho rằng chuyến thăm Việt Nam của Bill Gates là một tín hiệu tốt cho lĩnh vực CNTT của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết mà chỉ trong khuôn khổ chuyến thăm một ngày thì rất khó. Cho đến nay, Microsoft mới chỉ có cam kết hỗ trợ một phần tài chính cho lĩnh vực giáo dục nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005.
PV