1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Mì tôm “đổ” về vùng lụt Chương Mỹ gấp 4 lần năm ngoái

(Dân trí) - Trong hai tuần bị ngập lụt, hơn 3.600 hộ dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội) được hỗ trợ 14.000 thùng mì tôm. Như vậy, mỗi gia đình có nhà bị ngập nước nhận được khoảng 4 thùng mì tôm, con số này gấp 4 lần năm ngoái.

Chiều 7/8, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức giao ban báo chí với nội dung chính liên quan đến công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn. Tham dự có lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ - địa bàn có 4 xã với hơn 3.600 hộ dân bị ngập nặng trong thời gian qua.

Không ai bị đói khát

Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, tính đến hết ngày 6/8, mực nước trên sông Bùi là 6,15m. Trên địa bàn vẫn còn 486 nhà dân bị ngập sâu trong nước. Công ty điện lực Chương Mỹ phải cắt điện 415 nhà dân và 4 trạm bơm.

Ông Hoàng Minh Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, tổng thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn khoảng hơn 264 tỷ đồng.

Đợt mưa lũ kéo dài khoảng 2 tuần làm 5 trường học trên địa bàn các xã Nam Phương Tiến và Quảng Bi bị ngập sâu trong nước, buộc nhà trường phải di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn có 6 nhà văn hóa và 15 đình, chùa bị hư hỏng do ngập sâu trong nước lâu ngày.

Hàng cứu trợ được chuyển đến các gia đình bị ngập lụt ở huyện Chương Mỹ
Hàng cứu trợ được chuyển đến các gia đình bị ngập lụt ở huyện Chương Mỹ

Đề cập đến công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng trong đợt ngập lụt vừa qua, ông Hiến cho biết, đến nay huyện đã nhận được gần 6 tỷ đồng tiền mặt từ các cá nhân, tổ chức.

Huyện Chương Mỹ cũng đã hỗ trợ cho các xã, thị trấn úng ngập gần 90 tấn gạo, hơn 14.000 thùng mì tôm và các nhu yếu phẩm khác. Theo ông Hiến, trong năm 2017, huyện Chương Mỹ nhận được hơn 4.000 thùng mì tôm. Như vậy, trong năm 2018, người dân huyện Chương Mỹ được hỗ trợ mì tôm gấp 4 lần năm ngoái.

“Toàn bộ hàng cứu trợ đã được chuyển đến từng gia đình, không có người dân nào bị đói khát. Số tiền viện trợ, thời gian tới chúng tôi chia sẻ đến những gia đình bị thiệt hại trong đợt mưa lũ, đảm bảo công bằng, chính xác”, ông Đinh Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ nói.

Cần 447 tỷ đồng để người dân “sống chung với lũ”

Theo huyện Chương Mỹ, do khu vực hữu Bùi phần lớn diện tích nằm trong vùng trũng thấp, bị ảnh hưởng nặng nề của lũ rừng ngang từ Hòa Bình dồn về nhưng nhiều năm qua chưa có giải pháp nào để giải quyết triệt để.

Do vậy, UBND huyện Chương Mỹ kiến nghị TP Hà Nội cần có giải pháp để người dân 4 xã sống bên đê hữu Bùi là Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân có cuộc sống ổn định yên tâm sản xuất, sinh hoạt trong điều kiện buộc phải “sống chung với lũ”.

Hà Nội đang tính đến phương án xây dựng các đoạn xung yếu đê Bùi bằng bê tông dự ứng lực
Hà Nội đang tính đến phương án xây dựng các đoạn xung yếu đê Bùi bằng bê tông dự ứng lực

"Hữu Bùi là vùng phân lũ, nên mực nước sông lên báo động 3 là cho tràn qua đê. Người dân ở hữu Bùi sống chung với lũ như vậy từ nhiều năm nay. Còn đê tả Bùi, phải đảm bảo an toàn bằng mọi giá để bảo vệ khu vực nội thành và tài sản của người dân", ông Đinh Mạnh Hùng nói.

Cụ thể, UBND huyện Chương Mỹ cần hơn 447 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp 11 tuyến đê xung yếu bị tràn và lở. Đầu tư xây dựng trụ sở UBND xã Nam Phương Tiến; tu bổ 5 di tích lịch sử văn hóa và nhà văn hóa bị xuống cấp.

UBND huyện Chương Mỹ cũng đề xuất nâng cấp 13 tuyến đường để đảm bảo khi bị ngập úng người dân không bị cô lập. Ngoài ra, huyện Chương Mỹ mong sớm được đầu tư 7 trường học.

Theo ông Đinh Mạnh Hùng về lâu dài, huyện cùng với thành phố đang tính toán cải tạo, nâng cấp cả đê tả Bùi và hữu Bùi bằng cừ bê tông dự ứng lực. Theo đó, từ nay đến năm 2019 sẽ thí điểm đầu tư một đoạn đê xung yếu nhất của đê tả Bùi có chiều dài khoảng 1.500m, từ cầu Bến Cốc đến hết tràn Thanh Bình.

Quốc Vinh