1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Mếu máo” những dự án trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long

(Dân trí) - Thời khắc kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội không còn bao xa nhưng các dự án giao thông trọng điểm chào đón sự kiện này vẫn hết sức ì ạch, thậm chí có những gói thầu chưa thể khởi công.

Có thế kể ra đây hàng loạt công trình như dự án Cầu Vĩnh Tuy; dự án đường 5 kéo dài; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 32; dự án Láng Hoà Lạc (mở rộng); dự án cầu Nhật Tân; dự án Vành đai III; Dự án đường dẫn cầu Thanh Trì…

 

Những dự án có tiến độ… “rùa”

 

Tốn giấy mực nhiều nhất về việc “lùi thời điểm khánh thành” có lẽ là dự án Cầu Vĩnh Tuy. Công trình trọng điểm này được khởi công vào tháng 2/2005 và dự kiến sau 24 tháng sẽ khánh thành. Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện nay, công trình này đã không dưới 5 lần khiến người dân phải… mừng hụt.

 

Thời hạn khánh thành liên tục bị thay đổi, từ tháng 2/2007 bị lùi đến tháng 9/2007, sau đó lại đến tháng 2/2008. Mới đây nhất, chủ đầu tư dự án khẳng định sẽ nối nhịp cầu hai bờ trước Tết Mậu Tý, thông xe và đưa công trình vào sử dụng đúng dịp 30/4/2008, hoàn thành toàn bộ công trình vào tháng 2/2009. Nhưng rồi, khi thời điểm 30/4 đã trôi qua hơn 1 tuần, cầu Vĩnh Tuy lại thêm một lần lỗi hẹn với Hà Nội.

 

Cũng lưu không ít dấu ấn về tốc độ thi công ì ạch là dự án xây dựng tuyến đường 5 kéo dài. Công trình này được khởi công từ năm 2005 và phấn đấu hoàn thành vào năm 2010 nhưng đến giờ, tiến độ thi công rất chậm và việc hoàn thành đúng thời hạn cũng gần như là không thể.

 

Sau hơn 2 năm triển khai nhưng báo cáo mới nhất mà Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn (Đơn vị làm chủ đầu tư dự án cầu Vĩnh Tuy và đường 5 kéo dài - PV) gửi tới UBND thành phố Hà Nội chắc hẳn sẽ khiến nhiều người “phát sốt”: mới có khoảng hơn 60% diện tích mặt bằng thi công đã bàn giao cho các nhà thầu, tuy nhiên phần mặt bằng “sạch” để nhà thầu có thể triển khai thi công được chỉ đạt khoảng 30%, thậm chí có gói thầu chỉ có khoảng 10% diện tích để thi công.

 

Trái ngược với sự dở dang tại các công trình nêu trên là những sự… dở dang khác tại rất nhiều công trình trọng điểm khác. Đầu tháng 2/2007, thông tin về việc cầu Thanh Trì Hà Nội chính thức thông xe nhằm giảm tải cho cây cầu Chương Dương khiến người dân Hà Nội vui mừng. Nhưng đến chiều ngày 9/5, khi chúng tôi có mặt tại đường dẫn lên phía Nam cầu Thanh Trì thì trước mắt vẫn chỉ có máy móc, sắt thép, bê tông ngổn ngang.

 

Và có lẽ rất nhiều cơ quan chức năng tại Hà Nội cũng biết một điều như chúng tôi biết: để sang Quốc lộ 5, nhiều lái xe phải qua cầu Thanh Trì, nhưng đường dẫn lên cầu chưa có vì thế đường Pháp Vân lại là lựa chọn gần như duy nhất. Đây là lý do giải thích tại sao hàng ngày vẫn có hàng đoàn dằng dặc những xe tải hạng nặng nhích từng bước qua đường Pháp Vân, để lại đằng sau là vô số những ổ trâu, ổ voi.

 

Nhìn lại tiến độ các công trình trọng điểm phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, điểm qua cũng có tới gần 10 dự án hạ tầng đô thị đang triển khai chậm, không đạt kế hoạch đã giao. Và cũng còn rất nhiều dự án khác như đường vành đai 1, cầu Nhật Tân, tuyến đường sắt thí điểm Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội, đường Văn Cao - Hồ Tây, Nhà ga T2 Nội Bài… sau nhiều năm chuẩn bị đầu tư vẫn chưa được khởi công.

 

Nguyên nhân từ đâu?

 

Trao đổi với chúng tôi ngày 8/5, ông Bùi Đăng Thắng, Phó Giám đốc BQL Dự án hạ tầng Tả Ngạn cho biết: ban đầu khi lập tiến độ cho dự án cầu Vĩnh Tuy và tuyến đường 2 đầu cầu, lãnh đạo Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đã hạ quyết tâm hoàn thành dự án trong thời gian 24 tháng. Song, đây là tiến độ thực hiện dự án với sự nỗ lực phấn đấu cao nhất trong các điều kiện lý tưởng, thuận lợi nhất.

 

Trên thực tế , công tác GPMB phục vụ thi công dự án rất phức tạp, phải di dời hơn 1.000 hộ dân, 5 cơ quan, hơn 500 ngôi mộ (tại quận Long Biên) và 497 hộ dân, 16 cơ quan, 2 hợp tác xã (tại quận Hai Bà Trưng). Trong khi đó, phải hơn 1 năm sau khi khởi công, mới có khu tái định cư cho dân, đến cuối năm 2006 mới cơ bản có mặt bằng, vừa thi công vừa tiến hành giải phóng thêm.

 

Trước câu hỏi về năng lực tài chính của các nhà thầu, ông Thắng cho rằng: các nhà thầu hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, giá nguyên vật liệu tăng vọt, các đơn giá định mức trượt giá, thay đổi liên tục, các ngân hàng siết chặt hơn điều kiện thanh toán, chính điều này quay trở lại gây khó mua vật tư và huy động thiết bị… Những điều này càng đẩy các nhà thầu vào thế “khóc dở mếu dở”, càng làm thì càng lỗ.

 

Với dự án đường 5 kéo dài, lý do mà BQL dự án hạ tầng Tả Ngạn đưa ra là nhiều diện tích chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng nằm xen kẽ như đất thầu khoán, ao thả cá, đường nội đồng… vì vậy nhà thầu không có đường để vào thi công. Không đủ mặt bằng cho nên việc thi công bị cầm chừng. Ngoài ra, trong quá trình triển khai còn có một số hạng mục thay đổi, bổ sung như tuyến ống cấp nước truyền dẫn, nút giao thông đường 5 kéo dài và đường sắt Hà Nội- Lạng Sơn điều chỉnh từ giao bằng sang giao khác mức; nút giao Vĩnh Ngọc giữa đường 5 kéo dài và đường đầu cầu Nhật Tân thay đổi từ giao bằng sang giao khác mức.

 

Còn theo lãnh đạo Ban quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư Dự án Đường Thanh trì, vành đai 3, đường Láng- Hoà Lạc mở rộng - PV), đường dẫn phía Nam cầu Thanh trì sở dĩ bị chậm so với kế hoạch là do phải bổ sung thêm một số hạng mục, theo đó sẽ khó có khả năng thông xe đường dẫn vào tháng 5/2008.

 

Nguyên nhân chính của sự chậm chễ cũng được Ban quản lý giải thích rằng do khâu giải phóng mặt bằng. Chỉ riêng 6 km đường dẫn phía Nam cầu Thanh Trì thuộc các phường Hoàng Liệt, Yên Sở, Trần Phú, quận Hoàng Mai, thời gian qua đã “ngốn” rất nhiều cuộc họp giữa BQL dự án Thăng Long, với chính quyền địa phương, các đơn vị thi công, đơn vị giám sát… để bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà thầu lập kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thi công, nhưng vướng vẫn hoàn vướng. Tuy nhiên, người lãnh đạo này cũng khẳng định rằng dù khó khăn đến mấy thì đơn vị cũng sẽ phấn đấu vào năm 2010 sẽ hoàn thành tất các công trình như kế hoạch đề ra.

 

Từ những nguyên nhân khách quan trên, cũng cần phải nhìn nhận rằng một trong những nguyên nhân chủ quan gây nên tình trạng chậm trễ này là do công tác quy hoạch chậm làm ảnh hưởng tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư, vướng mắc về thủ tục hành chính trong quy hoạch đầu tư xây dựng còn cồng kềnh, phức tạp và năng lực các nhà thầu...

 

Phúc Hưng