“Mệt nhoài” vì những câu hỏi bức xúc!
(Dân trí) - Đó là tình trạng của nhiều người tham gia buổi giao lưu trực tuyến về đất đai hôm qua (19/6). Thứ trưởng Đặng Hùng Võ miệt mài khua một bàn tay trên bàn phím. Bộ trưởng Mai Ái Trực thỉnh thoảng đi vòng quanh hội trường cho bớt căng thẳng. Các nhân viên làm việc với sự trợ giúp của bánh mì và nước suối…
Dân và doanh nghiệp cùng “kêu”
Tổng số câu hỏi cho cuộc giao lưu trực tuyến lần này là trên 1600 câu hỏi, số người tham gia giao lưu là trên 12 ngàn người. Thành phố HCM vẫn là địa phương nóng bỏng nhất về lĩnh vực đất đai, với 167 câu hỏi được gửi đến.
Theo Bộ trưởng Mai Ái Trực (người trực tiếp duyệt các câu hỏi trước khi đẩy lên mạng), người dân TPHCM quan tâm nhiều đến thời gian thực hiện của các qui hoạch và nhất là vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Rất nhiều người mua đất bằng giấy trao tay hoặc đất nông nghiệp rồi tự chuyển thành đất thổ cư từ những năm trước nay đặt ra câu hỏi có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, thủ tục và nghĩa vụ ra sao?... Ở các địa phương khác, tính hợp pháp đối với mảnh đất người dân đang sử dụng cũng là nội dung được đặt ra nhiều nhất.
Theo Thứ trưởng Đặng Hùng Võ, số lượng câu hỏi của các doanh nghiệp tăng hơn cuộc giao lưu lần trước. Những bức xúc mà các doanh nghiệp đặt ra là dự án treo, giải phóng mặt bằng không kiên quyết, chưa tạo điều kiện động viên đầu tư. Đặc biệt, có những địa phương làm cho mối quan hệ giữa các doanh nghiệp phức tạp thêm vì "dự án này thì đấu thầu trong khi dự án kia lại không, ưu tiên doanh nghiệp này, bỏ qua doanh nghiệp khác".
Việc “mềm dẻo” qui định về pháp luật, đơn cử như tính tiền thuê đất cũng làm cho các doanh nghiệp không được bình đẳng với nhau, làm môi trường đầu tư nói chung bị méo mó đi. Nghĩa vụ tài chính đặt ra với các doanh nghiệp cũng không nhất quán, nhiều khi gia tăng thêm nghĩa vụ cho doanh nghiệp. Đó là chưa kể những thắc mắc liên quan đến vấn đề khấu trừ các khoản sau khi đã đền bù, giải toả xong...
Cũng thông qua cuộc giao lưu đã có những tổ cáo về tiêu cực liên quan đến lĩnh vực đất đai đã được gửi tới Bộ TN- MT. Lãnh đạo Bộ cho biết sẽ giao Thanh tra Bộ kiểm tra và xử lí kiên quyết nếu phát hiện sai phạm.
Theo Bộ trưởng Mai Ái Trực, người dân và các doanh nghiệp có nhiều thắc mắc cho thấy, việc quản lí đất đai trước đây bị buông lỏng đã để lại hậu quả hết sức nặng nề, trong khi những chính sách về lĩnh vực này ngày càng hợp lí đã làm “trồi” ra những vướng mắc. Đời sống kinh tế xã hội có nhiều biến chuyển, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng là nguyên nhân làm nảy sinh thêm nhiều phức tạp.
Cuộc giao lưu chưa kết thúc
500 câu hỏi và trả lời của lần giao lưu trực tuyến thứ nhất đang được Bộ và Đài Tiếng nói Việt Nam lựa chọn đưa lên sóng phát thanh, đồng thời các câu hỏi và trả lời này cũng sẽ được biên tập để in thành sách. |
Thực tế có những câu hỏi không thể trả lời được do nội dung thuộc sự quản lí của các ngành khác như Xây dựng hay Qui hoạch kiến trúc. Cũng có những câu trả lời chưa sát mà lãnh đạo Bộ đã có nhắc nhở. Tuy nhiên, ông Trực cũng cho rằng, không thể hi vọng các địa phương trả lời đầy đủ các câu hỏi, nhất là các câu hỏi về tranh chấp vì thời gian quá ngắn ngủi.
Cũng theo ông Trực, những câu hỏi về việc sở hữu hợp pháp với đất đai tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cho người quản lí: cần tạo ra một hành lang pháp lí giúp người dân có thể biết và làm; có hệ thống tổ chức như một dịch vụ công về đất đai để người dân đến làm thủ tục; các thủ tục hành chính cần gọn nhẹ; giảm bớt các khoản thu.
Bộ trưởng cũng đặt ra vấn đề với người dân: lúc này người dân không thể tự tiện mua đất nông nghiệp, “nâng” lên thành đất ở rồi bắt nhà nước công nhận.
Ngày giao lưu trực tuyến đã kết thúc, nhưng theo Bộ trưởng Mai Ái Trực, sự giao lưu giữa Bộ với người dân vẫn tiếp tục, những câu hỏi còn lại cũng như những câu hỏi gửi đến sau của người dân sẽ được trả lời và đưa lên mạng trong những ngày tới.
Cấn Cường