Mệt mỏi trở lại thành phố sau Tết
(Dân trí) - Các chuyến xe liên tỉnh chở hàng ngàn hành khách lần lượt nối đuôi nhau vào bến. Sau quãng đường dài, chịu cảnh “nhồi nhét” hầu hết không ai giấu được vẻ mệt mỏi khi bước xuống.
Trên đường vành đai 3 (Nguyễn Xiển - Phạm Hùng) nhiều điểm bị ùn tắc khiến hàng ngàn phương tiện nối đuôi nhau trên đường. “Ba ngày nay, nườm nượp phương tiện đổ về Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết khiến tuyến đường bị ùn tắc kéo dài, đặc biệt là vào đầu giờ chiều”, anh Minh lái xe ôm trên đường Phạm Hùng cho biết.
Vẻ mặt bơ phờ lại phải mang thêm nhiều đồ đạc cồng kềnh, chị Huỳnh Thị Thân Thương (25 tuổi, quê Quang Ngãi) chia sẻ, cả năm làm việc được về quê cùng gia đình là điều ai cũng mong muốn nhưng sau Tết, nghĩ đến đoạn đường quay lại Sài Gòn hết sức gian nan, xe cộ đông đúc vào được đến nơi cũng phải nghỉ vài ngày mới lại sức.
Ghi nhận tại khu vực bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh - TPHCM) vào sáng 29/1, tức ngày mùng 7 Tết, hàng trăm lượt xe khách từ các tỉnh Tây Nguyên, Miền Trung lần lượt đổ về. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị khá kỹ của lực lượng chức năng, CSGT nên trong buổi sáng cùng ngày trên các tuyến đường chính dẫn vào bến xe không xảy ra tình trạng ùn tắc.
Bảo vệ bến xe Miền Đông cũng được huy động để đảm bảo tình hình an ninh trật tự cho hành khách khi vào bến. Các bãi xe trong và ngoài bến xe này vẫn kẹt cứng. Theo các nhân viên giữ xe tại đây, trong khoảng thời gian buổi sáng đã có hàng ngàn chiếc xe máy được hành khách đến lấy ra. Tuy nhiên, lượng xe còn lại vẫn còn khá lớn, dự tính trong chiều hôm này và ngày số xe này sẽ được trả hết, trả lại mặt bằng hoạt động thường ngày cho khu vực bến xe Miền Đông.
Hầu hết, hành khách đáp xuống bến đều trải qua một hành trình khá dài. Để có được một ghế vào trước ngày làm việc không ít người phải chầu chực cả đêm mới có vé. Thậm chí các hành khách còn phải chấp nhận ngồi ghế “sơ cua” ở hành lang giữa của xe.
“Việc đi lại ngày Tết không tránh khỏi cảnh nhồi nhét nhưng để kịp ngày làm việc thì phải chấp nhận. Tôi là con trai nên cũng đỡ nhiều phụ nữ và trẻ em lên xe là không thể thở nổi, nếu có ý kiến lập tức nhà xe lại thách thức, đuổi xuống”, anh Vũ Đức Chung (32 tuổi, ngụ Lâm Đồng) bức xúc.
Nhiều hành khách không thể đặt được vé xe của hãng lớn có uy tín thì đành chấp nhận đi xe dù. Dù phải trả với cái giá “cắt cổ” nhưng mọi người vẫn bị hành trên những “chuyến xe bão táp”.
Theo lời kể của chị Đỗ Thị Phương Hòa (28 tuổi, quê Bình Thuận), mặc dù chỉ đi quãng đường từ quê chị đến TP.HCM có độ dài khoảng 200km nhưng chị này đã phải sang xe 3 lần mới đến được bến xe Miền Đông. Chị Hòa cho biết thêm: “Lúc đầu lên xe, xe nào cũng bảo không bắt khách dọc đường, chạy thẳng một lèo nhưng chỉ được vài chục km là bán sang cho xe khác. Dù đã trả hết tiền xe nhưng tôi và một số người khác vẫn bị ép trả thêm lần nữa”.
Riêng tại khu vực bến xe Miền Tây trong sáng 29/1, lượng hàng khách đổ về cũng bắt đầu tăng cao. Chỉ trong buổi sáng cùng ngày đã có khoảng gần 20 ngàn người xuống bến tại đây. Giao thông tại cửa ngõ dân vào bến xe này cũng được đảm bảo, dù lượng phương tiện tăng nhanh những với phương án “phân luồng từ xa” của lực lượng CSGT đã phần nào giảm tải trong những ngày cao điểm nhất dịp đầu năm.
Một số hình ảnh tại bến xe Miền Đông sáng 29/1 được PV Dân trí ghi lại