Mẹ Việt tại Nhật sưu tầm hơn 80 giống hồng, làm vườn đẹp "vạn người mê"
(Dân trí) - Khu vườn 120 m2 của gia đình được chị Sinh phủ kín bằng hơn 80 giống hoa hồng rực rỡ, sắc màu.
Chị Nguyễn Thị Sinh (39 tuổi) hiện đang sinh sống tại Nhật Bản cùng chồng và hai con trai. Anh chị sang Nhật làm việc và định cư cũng đã 10 năm. Tháng 5/2019, xuất phát từ mong muốn trang trí cho ngôi nhà thêm sắc màu và tạo không gian thư giãn cho gia đình, chị Sinh bắt đầu tìm hiểu, thử trồng một số loại hoa hồng.
"Nhưng mình càng trồng thì càng yêu hoa hồng hơn. Mình bị chinh phục bởi mùi hương, kiểu dáng, màu sắc của chúng nên giống hoa nào mình cũng muốn sưu tầm. Sau hơn 2 năm, khu vườn nhà mình hiện có hơn 80 giống hồng khác nhau", chị Sinh chia sẻ.
Khu vườn của gia đình chị Sinh rộng 120m2. Hai ngày cuối tuần, gác lại công việc bận rộn, chị Sinh toàn tâm toàn ý chăm sóc cho cây cối trong vườn. Khu vườn trở thành không gian kết nối các thành viên trong gia đình.
Chị Sinh chia sẻ, chị sống ở vùng đông bắc của Nhật Bản nên khí hậu không quá lý tưởng cho việc trồng hoa hồng. Ở vùng này, từ tháng 12 đến tháng 3 hàng năm, nhiệt độ rất thấp, có khi chỉ -6 độ C. Thời điểm tháng 7 đến tháng 9 thì nhiệt độ lại rất cao, có khi lên tới 35 - 36 độ C. Do đó, việc chọn giống hoa phù hợp với điều kiện khí hậu rất quan trọng.
"Mình hay tìm mua giống hoa hồng qua mạng. Trước khi mua bất cứ giống hoa nào mình đều tìm hiểu kĩ đặc tính: nó thuộc dạng leo hay khóm, ưa nóng hay ưa mát, độ bền của hoa, khả năng kháng bệnh, kiểu dáng, mùi hương…", chị Sinh chia sẻ. Chị cho biết, thời điểm nhiệt độ thấp từ tháng 12 đến tháng 3, chị sẽ để hồng "ngủ đông" (Do trời lạnh nên rễ không phát triển, cây được nghỉ ngơi). Cuối đông, đầu xuân, khi thời tiết ấm lên, chị sẽ chăm sóc để rễ phát triển, nảy mầm và cho hoa.
Chị Sinh thường trộn giá thể trồng hoa hồng theo tỉ lệ: 50% đất đỏ, 10% rơm/lá mục, 10 - 20% phân bò/phân ngựa và 20% trấu tươi/trấu hun/xơ dừa. Theo chị, giá thể trồng hoa cần thoáng khí, tơi xốp, tuyệt đối không để giá thể nén chặt khiến rễ khó phát triển.
Việc bón phân cho hoa hồng cần phù hợp với từng giai đoạn phát triển khác nhau. Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm, chị Sinh cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc hồng nhưng chị kiên trì lên mạng đọc thông tin, hỏi kinh nghiệm bạn bè. "Sau này, mình năm được cách chăm sóc ở từng giai đoạn khác nhau nên việc chăm sóc diễn ra khoa học, hiệu quả hơn", chị cho biết.
Từ khi có khu vườn, cuộc sống của chị Sinh thay đổi rất nhiều. Việc chăm sóc và duy trì vườn hồng tuy vất vả, tốn nhiều công sức và thời gian nhưng mang tới niềm vui, hạnh phúc cho chị. Mỗi khi ra vườn, ngắm nhìn hoa khoe sắc, hít hà mùi hồng thoang thoảng trong không khí, lòng chị thảnh thơi, quên hết muộn phiền mệt mỏi. "Từ ngày làm vườn hoa hồng mình cũng có thêm những người bạn mới chung sở thích, đam mê", chị chia sẻ.
Cuộc sống của chị Sinh trở nên vui vẻ, tích cực hơn nhờ khu vườn hồng.