1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Mẹ Thứ - Huyền thoại bất tử!

Thế là người mẹ gánh trọn nỗi đau mất người thân đằng đẵng gần một thế kỷ ấy đã ra đi. Mẹ đi để trở về và gặp lại những người con thân thương mà mẹ đã dứt ruột sinh ra, nuôi nấng trưởng thành rồi lần lượt ra đi vì độc lập, tự do cho quê hương.

 
Mẹ Thứ - Huyền thoại bất tử! - 1
Mẹ đã về với các con (Tác phẩm Đợi con về của nhiếp ảnh gia Trần Hồng).

 

Mẹ về gặp lại các con

 

Ngày mẹ Thứ ra đi, nắng vàng ươm trong tiết trời se lạnh, lung linh như những sợi tơ mà người thôn nữ xóm Rừng bên dòng sông Thu Bồn ngày nào miệt mài dệt lụa cùng ước mơ giản dị: được sống bình an bên người chồng lực điền chăm chỉ và những đứa con ngoan.

 

Trong ký ức của những người cao tuổi ở thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng, mẹ Thứ là một trong những thiếu nữ đẹp nhất xóm Rừng thời đó. Mẹ mang nghề dệt lụa về nhà chồng vốn thuần nông. Gia đình mẹ sống thuận hòa, hạnh phúc, các con lần lượt ra đời. Hơn 20 năm chung sống, mẹ sinh được 12 người con, gồm 1 gái và 11 trai. Hồi còn khỏe, mẹ từng khoe nếu không có chiến tranh thì vườn nhà mẹ sẽ đầy ắp con cháu...

 

Hôm nay, mọi người tụ họp trong khu vườn năm xưa, tiễn đưa mẹ về với các anh, những người con đã hy sinh cho Tổ quốc. Bà con, hàng xóm láng giềng, những người thân quen từ mọi miền Tổ quốc nghe tin mẹ mất cũng đã kịp đến tiễn biệt.

 

Bà Hai Trị (Lê Thị Trị), con đầu lòng của mẹ Thứ, năm nay đã 86 tuổi, được con gái dìu đến bên thi hài mẹ Thứ. Bà Trị cũng là mẹ VN anh hùng, có chồng và con gái hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Bà Trị nhìn mẹ lần cuối, cố không khóc. Người mẹ gánh trọn nỗi đau mất người thân đằng đẵng gần một thế kỷ đã ra đi nhẹ nhàng. Dường như những năm tháng mẹ đã sống chỉ để chuẩn bị cho cuộc ra đi này. Đi để trở về và gặp lại những người con thân thương mà mẹ đã dứt ruột sinh ra, nuôi nấng trưởng thành, rồi lần lượt ra đi vì độc lập, tự do cho quê hương.

 

Ngay trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, 3 người con của mẹ Thứ vào Vệ quốc quân và du kích. Trong cùng một năm 1948, mẹ lần lượt nhận tin cả 3 hy sinh. Sau đó, 6 người con khác của mẹ lần lượt lên đường, người vào bộ đội, người đi du kích, người là biệt động thành, hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau. Trong số đó, 5 người hy sinh trong lửa đạn chiến tranh, riêng anh Lê Tự Kiệt (Lê Tự Chuyển) là biệt động thành Sài Gòn, hy sinh đúng vào ngày 30/4 lịch sử. Mỗi người con ra đi, một khúc ruột của mẹ Thứ như bị cắt rời. Sống trong lòng địch, mẹ chỉ biết nuốt nước mắt vào trong...

 

Những năm sau khi ông Lê Tự Nghị, chồng mẹ Thứ, qua đời (năm 1989), mẹ Thứ sống cùng bà Hai Trị. Hai mẹ con - hai người anh hùng - có cùng nỗi đau mất con, mất người thân trong kháng chiến, đã hết mực thương yêu, dìu đỡ nhau. Người con trai áp út của mẹ Thứ, ông Lê Tự Thạnh (68 tuổi), kể những ngày cuối cùng của mẹ rất thanh thản. Mẹ nằm nghiêng quay mặt vào tường như tĩnh tại và siêu thoát rồi nhẹ nhàng ra đi...

 

Huyền thoại bất tử

 

Mẹ Thứ - Huyền thoại bất tử! - 2

Mẹ Nguyễn Thị Thứ
Tin Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ từ trần gây xúc động cho hàng triệu người. Cuộc đời mẹ đã trở thành huyền thoại, thành tượng đài của lòng yêu nước, đức hy sinh. “Mẹ thoát thai từ mảnh đất anh hùng, sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hóa thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời với các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau”. Đó là ý tưởng mà nhà điêu khắc - họa sĩ Đinh Gia Thắng - muốn chuyển tải vào công trình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu từ mẹ Thứ, hiện đang được gấp rút thi công hoàn thành tại Núi Cấm, thuộc thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ - Quảng Nam (khởi công từ ngày 27/7/2007).

 

Nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo từ lâu cũng đã trở thành những người thân trong gia đình mẹ Thứ. Mẹ chính là nguồn cảm hứng sáng tạo để các tác phẩm nghệ thuật của họ thăng hoa. Nữ họa sĩ Dư Dư cho biết chị bần thần khi nghe tin mẹ Thứ ra đi. Bức tranh lụa chị vẽ chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ đoạt giải nhất trong cuộc thi tranh tượng về đề tài lực lượng vũ trang năm 2004 là cái duyên gắn kết họa sĩ này với mẹ Thứ. Năm nào cũng một vài lần, chị đến thăm mẹ.

 

Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tỉnh Quảng Nam có hơn 6.000 Mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ Thứ là Mẹ Việt Nam anh hùng sống thọ nhất tỉnh Quảng Nam. Bây giờ mẹ đã về bến bình yên vĩnh hằng nhưng trong lòng con cháu người Việt bao thế hệ, mẹ vẫn là biểu tượng bất tử!

 

11 lần khóc thầm lặng lẽ

 

Bốn người con của mẹ Thứ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp gồm Lê Tự Xuyến, Lê Tự Hàn (anh), Lê Tự Hàn (em), cùng năm 1948 và Lê Tự Lem, năm 1954. Bảy người con, rể, cháu hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ gồm các con trai: Lê Tự Nự, năm 1966; Lê Tự Mười, năm 1972; Lê Tự Trịnh, năm 1972; Lê Tự Thịnh, năm 1974 và Lê Tự Kiệt (Chuyển), năm 1975; con rể Ngô Tường, năm 1957 và cháu ngoại Ngô Thị Cúc, năm 1973.

 

Theo Võ Kim Ngân

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm