Mẹ "thần đồng 4 tuổi" chia sẻ về khả năng đặc biệt của con
(Dân trí) - Chị Phạm Thị Hà - mẹ cháu bé "thần đồng" Phạm Tuấn Minh - chia sẻ, chị không muốn con mình nổi tiếng trên báo chí mà chỉ mong tìm được môi trường giáo dục giúp con có điều kiện phát triển một cách tốt nhất.
“Tôi kinh ngạc hết sức”
Chị Hà chia sẻ, sau khi video về khả năng đặc biệt của con mình được đăng tải trên Dân trí, mỗi ngày chị nhận được hàng chục cuộc điện thoại hỏi thăm. Hai mẹ con đi đến bất cứ đâu cũng đều bị phát hiện, thậm chí những đứa trẻ hàng xóm cũng thích thú và đòi Tuấn Minh quy đổi các ngày lễ trong năm khiến nhiều lần cậu bé này “phát cáu”.
“Rất nhiều người san sẻ với tôi niềm hạnh phúc khi có được đứa con ngoan ngoãn, thông minh. Thực tâm tôi rất cảm ơn những chia sẻ, động việc đó, với tôi và gia đình, Tuấn Minh luôn là niềm hạnh phúc và tự hào nhất. Nhưng quả thực, nỗi lo lắng luôn song hành cùng niềm vui. Và quả tình, đôi lúc sự lo sợ vô hình còn có phần lấn át cả niềm vui. Việc cháu Tuấn Minh bỗng nhiên trở thành tâm điểm của dư luận nằm ngoài mọi mong muốn của tôi và gia đình. Tôi lo sợ rằng, những dư chấn sau đây sẽ lâu dài và ảnh hưởng đến cháu một cách tiêu cực. Tôi nghĩ rằng, tâm trạng của tôi lúc này, những bậc làm cha làm mẹ chắc chắn sẽ thông hiểu và cảm thông hơn hết”, chị Hà nói.
Lặng lẽ nhìn Tuấn Minh đang vui cười cùng đám bạn ngoài sân, chị Hà nói: “Nhiều người hỏi tôi rằng, gia đình có cách giáo dục thế nào, có bắt cháu học thuộc lòng lịch hay không? Sự thực là, tư duy của cháu khác so với các bạn cùng trang lứa, mặc dù gia đình không muốn con học hay hiểu biết một cách quá sớm so với lứa tuổi của cháu nhưng... tôi biết phải nói sao để dư luận có thể hiểu hơn tâm trạng lúc này của gia đình.
Tự bản thân cháu đã tò mò, tự mình tìm hiểu. Nhiều khi tôi phải giấu sách, giấu lịch nhưng rồi chỉ được một ngày con lại đòi và tìm cho bằng được... Cháu là một đứa trẻ rất hay hỏi tại sao, bản thân tôi phải mua mấy quyển từ điển để giải đáp phần nào nhưng vẫn không thể trả lời hết các thắc mắc của cháu. Với sự hiểu biết hiện tại, tôi sợ rằng nếu học trong môi trường bình thường con sẽ chủ quan, chểnh mảng việc học vì một phần những gì cô dạy con đều đã biết, dần dần tư duy và sự sáng tạo sẽ mất đi... Điều tôi lo lắng lúc này là với sự “tìm tòi” những vấn đề quá tầm với lứa tuổi con hiện tại có ảnh hưởng đến sức khỏe của con hay không vì theo tôi được biết nhiều đứa trẻ rất dễ rơi vào trạng thái tự kỷ khi thấy mình quá khác biệt so với những bạn bằng tuổi”.
Chị Phạm Thị Hà: "Tôi lo sợ rằng, những dư chấn sau đây sẽ lâu dài và ảnh hưởng đến cháu một cách tiêu cực"
Chia sẻ về khả năng đặc biệt của cháu Tuấn Minh, chị Phạm Thị Hà – mẹ bé cho biết, ngay từ lúc 1 tuổi, bé Tuấn Minh đã có khả năng ghi nhớ rất nhanh và bắt chước y chang những hành động của người lớn. Khi đến nhà hàng xóm, thấy quyển bản đồ ghi cờ các nước, Minh thích thú xin về bằng được và kỳ lạ thay chỉ trong thời gian ngắn cháu đã có thể ghi nhớ tất các quốc kỳ của các quốc gia trên thế giới. Không những thế, khi nghe ông ngoại nhắc qua về thủ đô các nước, cậu bé cũng có thể nhập tâm và nhắc lại chính xác không sai một từ.
Khác với những đứa trẻ bằng tuổi thích chơi đồ chơi, mô tô, xếp hình cậu bé Tuấn Minh lại chỉ thích làm bạn với sách vở và các con số. Được các anh chị họ cho sách toán và tiếng Việt lớp 1, cả ngày Minh chỉ cặm cụi nghiên cứu, mò mẫm. Trong một lần đi siêu thị, khi mẹ chọn mua một bồ đồ chơi thì cậu bé nhất định không chịu mà chạy thẳng đến hàng sách nằng nặc đòi mua quyển sách đánh vần, học chữ. Không muốn con học sớm nên chị Hà từ chối.
Tuy nhiên, lần thứ hai đi siêu thị bé cũng tìm đến quyển sách hôm trước và khóc đòi mẹ mua bằng được. Về nhà, Minh bắt ông ngoại dạy học thuộc bảng chữ cái và mỗi tối trước khi đi ngủ đều bắt mẹ đánh vần những chữ mà mình thích: “Thấy cháu ngồi ghép chữ say sưa rồi tự đọc mình cũng không để ý nghĩ cháu chỉ nghịch ngợm thế thôi. Ai ngờ hôm đi xe bus cùng mẹ lên Hà Nội, tôi thấy cháu đọc vanh vách từng khu phố, rồi từng câu danh ngôn, sự kiện lịch sử trong cuốn lịch thì mình cũng khá ngạc nhiên và bất ngờ. Khi mình bảo cháu đánh vần lại thì cháu cũng đánh vần được và mình có hỏi làm thế nào con đọc được thì con có nói là tự con học...”.
Duyên cơ với lịch
Tuấn Minh là đứa trẻ rất thích hỏi "tại sao" và luôn luôn đi đến tận cùng những vấn đề mà bé chưa biết. Có lần Tuấn Minh hỏi ông là: Đối thoại chính sách là gì? Tự do là gì? Độc lập là gì? Bất kỳ một từ nào bé phát hiện ra đầu tiên cháu đều hỏi.
Về khả năng tính lịch của bé, chị Phạm Thị Hà cho biết chỉ bắt đầu vào khoảng năm 2012, khi cậu mợ đằng ngoại có thêm một em bé thì tự nhiên Minh để ý và hỏi mẹ: Tại sao năm nay lại là năm Nhâm Thìn, tại sao lại là Quý Tỵ? Rồi tự con mày mò, xem lịch, ông ngoại có những quyển lịch cũ nào, Minh cũng lôi ra tự nhiên cứu. Có khi cả sáng chỉ ngồi xem và tính nhẩm lịch. Sau đó, thì gặp ai Minh cũng hỏi: Chú sinh năm gì? cô sinh năm gì? và có thể nói chính xác được ngày âm lịch và thứ của ngày hôm đó khiến nhiều người bất ngờ và ngạc nhiên.
Mọi người xung quanh ví Minh như một cuốn từ điển sống, danh bạ điện thoại của cả khu phố. Minh có thể lưu nhớ trong đầu và đưa ra chính xác gần 100 số điện thoại. Đi đến đâu, con cùng hỏi số điện thoại của từng người và về nhà có thể đọc vanh vách, chính xác mặc dù mới nghe lần đầu. Nhiều lần, bị mất số điện thoại của bạn bè, người thân chị Hà đều phải “nhờ” đến bộ óc siêu việt của con để tìm lại.
Khả năng ghi nhớ nhanh của Minh theo chị Hà không phải là kiểu máy móc mà cháu có sự suy luận và áp dụng vào những trường hợp cụ thể của thực tiễn. Ví dụ khi nghe mẹ giải thích từ “tự do”, hôm sau khi một bạn khác đòi nằng nặc đồ chơi của con thì con nhất định không chịu và nói rằng đó là tự do của con.
Do hoàn cảnh riêng của gia đình, ngay từ bé “thần đồng” Tuấn Minh đã thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Chính vì thế, cả gia đình dồn hết tình yêu thương và mong bù đắp cho bé sự thiếu thốn này. Chị Hà khẳng định: Không muốn con lên báo chí hay các phương tiện truyền thông để nổi tiếng mà chỉ hi vọng tìm được một môi trường giáo dục để con có thể phát triển đúng khả năng của mình.
Thời gian gần đây, Minh lại thích thú tìm hiểu về vũ trụ, khoa học từ nhiệt độ, sức nóng của mặt trời đến đặc điểm của các hành tinh xung quanh trái đất. Với sự phát triển quá nhanh của con so với bạn bè cùng trang lứa, chị Hà không biết tìm một môi trường giáo như thế nào cho phù hợp và có nên cho con phát triển những gì con thích hay phải hạn chế những khả năng này?
“Phải nói thật là tôi rất ngại và lo lắng khi báo chí đăng tải thông tin về con mình. Thứ nhất, tôi sợ ảnh hưởng làm cháu phát triển lệch lạc, thứ nữa không biết sau này cháu có ham học như bây giờ không? Tôi rất hoang mang và mong nhận được sự giúp đỡ, tư vấn của các nhà làm giáo dục để tìm được một môi trường tốt nhất cho con”.
Hà Trang – Xuân Ngọc