1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

Sau vụ thảm sát tại thành phố Binghamton (Mỹ)

Mẹ già cạn nước mắt chờ thi thể con

(Dân trí) - Nhang chưa cháy hết bà đã thắp vội nén khác, miệng không ngừng khấn: “Mong linh hồn con luôn được sưởi ấm nơi đất khách quê người và nhanh trở về với mẹ!”. Lời khẩn cầu của người mẹ lẫn trong nước mắt nghẹn ngào…

Mẹ già cạn nước mắt chờ thi thể con  - 1
Bà Phan Thị Ýa bên bàn thờ con gái.
 
Chiều ngày 8/4, PV Dân trí đã có mặt tại gia đình nạn nhân người Việt trong vụ thảm sát ngày 3/4 tại thành phố Binghamton (Mỹ), chị Hồ Thị Mỹ Lan (ở 47/4Đ tổ 73, khu phố 8, thị trấn Hóc Môn, TPHCM).

 

Gia đình nạn nhân cho biết, chị Lan cùng chồng là anh Huỳnh Thanh Long đưa hai con đến Mỹ từ tháng 1/2007. Trong ngày 3/4 định mệnh, hai vợ chồng cùng nhau đi học tiếng Anh ở tòa nhà Hiệp hội Dân sự Mỹ. Họ hi vọng sẽ vượt qua kỳ thi nhập quốc tịch để trở thành công dân Mỹ thì tai họa xảy ra.

 

Sau mấy ngày hôn mê, anh Long đã qua cơn nguy kịch có thể nói chuyện điện thoại với người thân tại Việt Nam. Nhớ lại giây phút kinh hoàng, anh vẫn chưa thôi đau đớn. Anh vẫn còn nhớ như in câu nói cuối cùng của vợ: “Cứ nằm yên giả vờ chết”.

 

Dù đã cố gắng hết sức nhưng do bị thương nặng với nhiều vết đạn vào cánh tay, sượt cằm và ngực nên anh lịm dần đi. Trước lúc hôn mê, anh cảm thấy vợ mình bắt đầu lạnh, mắt chị vẫn nhắm nghiền và không nói. Khi tỉnh dậy thì mới biết vợ đã chết.

 

Điều anh Long và mọi người lo lắng nhất là hai cháu Huỳnh Bảo Lân (11 tuổi) và Huỳnh Thị Yến Linh (9 tuổi). Các con anh còn quá nhỏ để chịu đựng tin dữ này. Đến chiều ngày 8/4, sau 4 ngày, hai bé Lân và Linh đã biết mẹ mất. Các em gọi điện về cho một người cậu ở Hóc Môn khóc thảm thiết khiến mọi người càng đau xót.

 

Người mẹ già mái tóc đã bạc trắng ngày ngày chỉ biết ngồi bên bàn thờ ôm di ảnh con. Bà đã không còn nước mắt để khóc. Chốc chốc bà lại hỏi mấy người anh của chị Lan: “Đưa con út về chưa? Sao lâu thế? Bao giờ nó mới về? Các cháu tôi giờ thế nào?”.

 

Dù cứng rắn hơn mẹ nhưng anh Hồ Văn Tấn, anh trai chị Lan, vẫn không khỏi nghẹn ngào: “Thật không ngờ em tôi lại bị như vậy. Giá như cứ sống ở nhà thì đâu đến nỗi!”. Lúc còn ở Việt Nam, chị Lan là giáo viên trường mẫu giáo Bé Ngoan 2 ở huyện Hóc Môn, còn anh Long làm việc tại Phòng Giáo dục quận 12.

 

Ngồi cạnh anh, bà Phan Thị Ýa, mẹ anh và chị Lan vẫn không thôi nấc lên từng hồi: “Lan là con gái út, cả nhà thương nó lắm. Từ nhỏ đã được chiều chuộng yêu thương. Giờ hai đứa cháu đã biết mất mẹ, chúng kêu khóc suốt ngày... Tôi mong chúng được nhìn mẹ mình lần cuối”.

 

Cũng trong dòng nước mắt, bà Nguyễn Thị Mỹ Phụng, mẹ anh Long cho biết, vợ chồng anh Long cũng có ý định trở về quê hương sinh sống. Đi đã 2 năm mà chưa làm được gì, phải cố gắng tiết kiệm để có ít tiền trở về nhưng chưa kịp thực hiện thì đã xảy ra chuyện. Bà tâm sự: “Tôi rất mong đưa được con dâu về nước để được nhìn mặt lần cuối. Sinh ra ở đây thì khi mất cũng phải về đây”.

 

Trao đổi với Dân trí, anh Tấn cho biết người thân của gia đình ở bên Mỹ đang lo thủ tục đưa xác chị Lan về nhưng còn thiếu giấy bảo lãnh của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ gửi về hải quan Việt Nam ở TPHCM.

 

Hai người mẹ già đã cạn nước mắt. Rất mong các cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi để gia đình có thể đưa thi hài chị Lan về với quê hương.

 

Trung Kiên