Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9:

“May mắn là người chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc”

Tiến Hiệp Phượng Vũ

(Dân trí) - Đã ở tuổi bách niên nhưng cụ Bùi Xanh (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn không quên được những ngày tháng Tám lịch sử của 75 năm về trước mà cụ là một trong những người may mắn góp mặt.

Dù đôi mắt đã mờ, tai không còn tinh anh, trí nhớ đôi phần đã quên lãng, nhưng khi nhắc đến sự kiện giành chính quyền vào tháng Tám năm 1945, cụ Xanh tỏ ra rất hào hứng.

Cụ Bùi Xanh sinh năm 1919, tại làng Kỳ Lạc, xã Trảo Nha, nay là tổ dân phố 2, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Sinh ra trong giai đoạn chuyển mình của nhiều phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân nên cụ sớm giác ngộ tinh thần Cách mạng.

“May mắn là người chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc” - 1

Cụ Bùi Xanh.

“Cuộc đời tôi là may mắn là người được chứng kiến một trong những thời khắc lịch sử của dân tộc. 75 năm qua, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay trên đồn huyện Can Lộc năm 1945 mãi là hình ảnh xúc động và khó quên nhất”, giọng cụ run run, bắt đầu câu chuyện.

Do tuổi đã cao, câu chuyện nhiều lúc bị ngắt quãng nữa chừng, những lúc ấy cụ Bùi Xanh lại im lặng một lúc như sợ bỏ sót mất điều gì.

“Năm 1945, khi ấy tôi khoảng 26 tuổi. Thời gian này tôi đang làm đội trưởng đội tự vệ du kích xã Trảo Nha. Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ tập hợp, vận động các thành viên tham gia ủng hộ lời kêu gọi của Chủ tịch nước Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tôi cũng nằm trong tổ chuẩn bị đảm bảo các yếu tố về lực lượng và lương thực… sẵn sàng cho việc giành chính quyền”, cụ Xanh nhớ lại.

“May mắn là người chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc” - 2

Lá cờ đỏ sao vàng được treo trên đồn huyện Can Lộc vào ngày 16/8/1945

Sau ngày phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện, căn cứ vào chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Ban lãnh đạo Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh đã ra lệnh khởi nghĩa, phát truyền đơn kêu gọi toàn thể nhân dân đứng lên lật đổ chính quyền Việt gian.

Sau khi có lệnh khởi nghĩa, công tác chuẩn bị được thực hiện khẩn trương. Các uỷ ban khởi nghĩa được thành lập và họp bàn kế hoạch giành chính quyền; các đội tuyên truyền xung phong làm việc với tinh thần khẩn trương; các cuộc mít tinh, tuần hành thị uy lôi cuốn hàng vạn người tham gia…

“Lúc bấy giờ, khắp làng quê, ngõ xóm tại Can Lộc đều rộn ràng tiếng tù và, tiếng chiêng trống cổ vũ quần chúng nhân dân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, từng đoàn người đổ ra đường đông như trẩy hội, khí thế hào hứng…“, cụ Xanh bồi hồi.

“May mắn là người chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc” - 3

Nhắc đến thời khắc lịch sử vào tháng 8/1945, cụ Xanh không giấu nổi niềm vui và tự hào.

Trước tình hình đó, các chiến sĩ cách mạng và quần chúng nhân dân ở huyện Can Lộc đã sớm chớp lấy thời cơ ngàn năm có một, lần lượt đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 16/8/1945, một nhóm thanh niên cứu quốc ở Can Lộc đã huy động một số thanh niên mang giáo mác vào tước vũ khí của lính bảo an, bắt giữ tri huyện Đặng Doãn và chiếm huyện đường Can Lộc. Cũng chính trong chiều ngày 16/8 ấy, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay hiên ngang trên nóc huyện đồn mà không sức mạnh nào ngăn cản nổi.

Sau khi treo cờ tại huyện đường, nhóm thanh niên tiếp tục kéo lên đồn binh Nghèn để tước vũ khí của lính bảo an. Sau đó, lá cờ đỏ sao vàng lần thứ 2 tiếp tục được kéo lên tại cột cờ đồn binh Nghèn.

“Thấy lá cờ được cắm lên mọi người đều lặng đi vì xúc động và sung sướng. Khi nghe Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố chính quyền bù nhìn đã bị đánh đổ, chính quyền cách mạng đã được thành lập, người dân và các lực lượng tham gia giành chính quyền đều phấn khởi, vui mừng, hò vang”, nhắc đến thời khắc ấy, cụ Xanh hào hứng hơn.

“May mắn là người chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc” - 4

Cụ Bùi Xanh (ở giữa) đã đón nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng 

Cuộc khởi nghĩa tại huyện Can Lộc đã mở đầu cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh.

Ngày 17/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa huyện huy động đông đảo quần chúng vũ trang biểu tình, tuyên bố giành chính quyền ở huyện lỵ và phân công tổ chức giành chính quyền ở các xã. Cùng ngày, Uỷ ban khởi nghĩa phân khu Nam Hà đã ra lệnh cho Uỷ ban khởi nghĩa huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên lãnh đạo quần chúng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Việc giành chính quyền ở Can Lộc, Thạch Hà và Cẩm Xuyên nhanh chóng thành công đã tạo niềm tin cho nhân dân đối với uỷ ban khởi nghĩa và góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng ở các địa phương trong tỉnh.

Sáng 18/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa phân khu Nam Hà gửi thư cho đơn vị Nhật đóng tại Thị xã Hà Tĩnh yêu cầu chúng không được can thiệp vào công việc nội bộ, đồng thời huy động hàng ngàn người dân kéo đến bao vây dinh tỉnh trưởng. Vốn đã hoang mang dao động, lại ở tình thế không thể chống cự, tỉnh trưởng đã chấp nhận ký giấy trao trả chính quyền cùng toàn bộ sổ sách, ấn tín, súng đạn và tiền bạc cho dân.

 Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hà Tĩnh đã thắng lợi nhanh gọn, chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh được thành lập.

“May mắn là người chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc” - 5

Vợ chồng cụ Bùi Xanh luôn tự hào vì gia đình luôn góp phần cống hiến cho đất nước dù là thời chiến hay thời bình.

Sau Cách mạng tháng 8/1945, cụ Xanh tiếp tục tham gia vào bộ đội, góp mặt vào nhiều trận đánh lịch sử như: chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950, chiến dịch Hoàng Hoa Thám (1950 - 1951).

Từ khói lửa chiến trường chống Pháp, cụ Bùi Xanh trở về, hăng hái tham gia xây dựng quê hương. Nhắc lại những năm tháng đã đi qua, cụ Xanh luôn cảm thấy tự hào, bởi dù là thời chiến hay thời bình, bản thân cụ và gia đình luôn góp phần cống hiến.

Ngày 16/8/1945, đã trở thành câu chuyện vẫn thường được cụ kể lại cho các con cháu. Đó cũng là cách cụ muốn giáo dục con cháu hiểu hơn về lịch sử của dân tộc, biết ơn những thành quả mà lớp người đi trước đã ngã xuống.