Máy lạnh có thể diệt được virus H5N1?
Gần đây các hãng điện tử đua nhau quảng cáo các loại máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt... có chức năng diệt các loại virus, trong đó có loại diệt được cả virus H5N1?!
Mới đây hãng điện tử L. tung ra thị trường loại máy lạnh Neo Plasma Plus diệt virus H5N1. Trước đó, hãng điện tử Sh. cũng đã giới thiệu mặt hàng tương tự. Nhiều người bán hàng mạnh miệng giới thiệu: “Cứ loại nào có ký hiệu ion là diệt được tất”.
Virus nào cũng diệt được?
Theo giải thích từ hãng L., sở dĩ máy lạnh có khả năng “tiêu diệt đến 99% virus H5N1 trong không khí” là do có sử dụng một màng lọc đặc biệt được phủ bởi các hợp chất, trong đó có chất Leuconostoc Citreum là một loại axít lactic được chiết xuất từ món kim chi truyền thống. Ngoài ra, loại máy này còn được trang bị thêm các lớp lọc hiệu quả với các tác nhân diệt khuẩn tự nhiên được chiết xuất từ cây diếp cá, và màng lọc sử dụng ion bạc...
Còn hãng điện tử Sh. (tung ra thị trường loại máy lạnh sử dụng công nghệ Plasmacluster có khả năng khống chế tới 99% hoạt động của virus cúm gia cầm H5N1 phát tán trong không khí) lại giải thích: Công nghệ này sản xuất ra nhiều hơn các ion âm và dương trong điều kiện cân bằng lý tưởng để diệt vi khuẩn, nấm mốc, khử mùi cũng như làm ngưng hoạt động các tác nhân gây dị ứng. Hãng Sh. không chỉ ứng dụng công nghệ trên trong máy lạnh mà còn sử dụng trong việc sản xuất tủ lạnh, máy lọc không khí...
Các hãng điện tử khác cũng không chịu kém. Mới đây, hãng S. giới thiệu loại máy giặt mới nhất cho năm 2006 Silver Nano, “có khả năng diệt khuẩn đến 99,9%”. Công nghệ này sẽ tạo ra ion bạc cực nhỏ để diệt khuẩn cũng như kháng khuẩn đến cả tháng trời sau đó, giúp quần áo luôn “tinh khiết”.
Tủ lạnh Plasma của hãng T. nhờ khí ozon, ion âm nên “diệt khuẩn gấp 400 lần so với thông thường; khí ozon khử mùi gấp 10 lần; tia cực tím khử khí etylen gấp 100 lần...”.
Chưa biết hiệu quả thật sự của các loại máy lạnh, tủ lạnh... diệt vi khuẩn, kể cả virus H5N1, đến đâu. Nhưng theo ông Vũ Lâm, phụ trách ngành hàng điện lạnh Trung tâm Điện máy Thiên Hòa, hầu hết khách hàng hiện nay đều hỏi máy có diệt virus không thì mới mua.
Khảo sát giá tại các trung tâm, siêu thị điện máy trên địa bàn TPHCM cho thấy, giá các mặt có chức năng diệt khuẩn đều cao hơn hàng thông thường cùng chủng loại khoảng 500.000 – 1 triệu đồng/cái.
Chỉ là quảng cáo!
Tiến sĩ Phạm Thành Quân, Phó Trưởng Khoa Công nghệ Hóa học Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết những công nghệ trên cũng có ít nhiều khả năng diệt khuẩn nhưng không phải là tất cả, nhất là virus cúm gia cầm H5N1.
Chẳng hạn, công nghệ plasma nhiệt độ thấp được sử dụng để biến các phân tử của các chất thành ion âm và dương tạo thành tia bức xạ điện từ để diệt khuẩn. Lý thuyết là vậy, nhưng để ứng dụng thì phải thử nghiệm, vì từng chủng loại virus có chế độ phân hủy khác nhau. Cho nên một sản phẩm nào đó cũng chỉ khống chế được một số loại vi khuẩn, virus nhất định chứ không thể tiêu diệt được hết.
Máy tạo ozone có tác dụng diệt khuẩn, nhưng cũng hạn chế. Tuy nhiên, ozone còn gây hại đến sức khỏe con người và vật nuôi như gây ung thư da, gây bệnh qua đường hô hấp. Riêng ion bạc, không phải lúc nào bạc cũng tồn tại trong ion. Chưa kể việc sử dụng bạc là rất đắt, đồng thời diệt khuẩn không hiệu quả vì bạc khó phản ứng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bay, Chủ nhiệm Bộ môn Bệnh học Khoa Y học Cổ truyền Đại học Y Dược TPHCM, thông tin: Cây diếp cá lâu nay chỉ có công dụng điều trị bệnh trĩ do có chất kháng sinh cho nên có khả năng cầm máu. Loại cây này chưa hề nghe nói về khả năng ngăn ngừa hay diệt được virus H5N1.
Đối với món ăn kim chi của người Hàn Quốc có vị cay kích thích ăn uống chứ không có chức năng diệt khuẩn. Bác sĩ Lê Hùng, Phó Viện trưởng Viện Y dược học Dân tộc TPHCM, cũng cho biết không só sách vở nào nói đến kim chi có khả năng trên.
Tiến sĩ - bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM, nói, hiện nay các nhà khoa học cũng chưa biết chính xác virus cúm gia cầm lây qua đường hô hấp hay còn đường nào khác. Việc các hãng điện tử quảng cáo sản phẩm của họ diệt được virus cúm gia cầm, nếu đúng thì quá tuyệt vời. Tuy nhiên, chỉ nên xem đây là quảng cáo vì chưa có bằng chứng, cơ sở khoa học.
Theo Nguyễn Hải
Người Lao Động