1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Máy bay xuống Nội Bài phải "né" đài không lưu

Đài Kiểm soát không lưu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là công trình phục vụ an toàn bay nhưng lại vi phạm tĩnh không khi cao tới 95 m, vượt quá độ cao cho phép tới 7 m khiến máy bay "gặp khó" khi hạ cánh.

Đó là kết luận mới đây của Cục Hàng không Việt Nam sau khi kết thúc đợt kiểm tra làm rõ những tố cáo sai phạm tại dự án Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài.
 
Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài là công trình quan trọng của ngành hàng không dân dụng, lần đầu tiên được giao các đơn vị trong nước thiết kế, xây dựng.
 
Đây là Đài Kiểm soát không lưu cao nhất tại Việt Nam và là 1 trong 3 Đài Kiểm soát không lưu cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
 
Máy bay xuống Nội Bài phải "né" đài không lưu - 1
Vượt độ cao thiết kế 7 m, Đài kiểm soát không lưu Nội Bài "làm khó" máy bay hạ cánh - Ảnh Đỗ Du.
 
Chiều cao cho phép trong thiết kế kỹ thuật là 88 m (đã có thoả thuận giữa Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tổng Tham mưu) để đảm bảo an toàn nhưng khi hoàn thành, công trình này vượt 7 m, cao đến 95 m!
 
Với một Đài kiểm soát không lưu cao như vậy sẽ làm khó cho các hãng bay thương mại và cả những chuyến bay quân sự. Do vướng đài chỉ huy, máy bay không xuống được thấp như trước đây.
 
Gặp lúc thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế, phi công phải cho máy bay bay vòng chờ đủ điểm kiện hạ cánh mới có thể đáp xuống, thậm chí phải đáp xuống sân bay dự bị.
 
Chủ đầu tư giải thích lý do công trình “mọc” thêm 7m là do độ cao của radar đặt trên cột tháp vượt quá dự tính ban đầu.
 
Việc hạ độ cao của Đài sẽ rất tốn kém và ảnh hưởng đến công năng của công trình nên Cục Hàng không yêu cầu chủ đầu tư báo cáo với các bên liên quan để cho phép điều chỉnh lại thỏa thuận về độ cao, sửa đổi phương thức bay.
 
Bên cạnh đó, trong số 13 nội dung tố cáo gửi báo chí và một số cơ quan chức năng, Đoàn kiểm tra đã có căn cứ xác định phần lớn các nội dung tố cáo không đúng hoặc chưa chuẩn xác.
 
Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra đã phát hiện một số khiếm khuyết cần khắc phục như chất lượng hoàn thiện của công trình chưa đạt yêu cầu, 1 thang máy khác mã hiệu, tính năng so với thiết kế ban đầu; chưa lắp đặt các máy tính sử dụng hiển thị đầu cuối APTN; khí tượng, radar thời tiết và tra cứu tài liệu...
 
Ngoài ra, dự án chậm 5 năm so với mục tiêu ban đầu và chậm 12 tháng so với tiến độ được phê duyệt. Nguyên nhân do chủ đầu tư chưa sâu sát trong quá trình triển khai, năng lực của Ban quản lý dự án, đặc biệt là năng lực nhà thầu xây dựng còn hạn chế.
 
Chính tại công trình này, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng trong một lần đến làm việc mới đây, được “mục sở thị” chất lượng các hạng mục xây lắp cũng như tiến độ “rùa”,  đã ra lệnh cấm nhà thầu thi công là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội không được tham gia đấu thầu xây dựng các dự án giao thông của Bộ quản lý trong thời gian tới.
 
Theo T.Hà
NLĐ