Máy bay của "bầu" Đức tại cảng Tân Sơn Nhất
(Dân trí) - 13h15 chiều nay, 17/5, chiếc máy bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam do hai phi công Mỹ điều khiển đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất
Theo ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Hoàng Anh Gia Lai, chiếc máy bay trên về trễ hơn dự kiến 2 ngày là do phải tránh bão ở khu vực Alaska.
Có mặt tại sân bay vào chiều nay, ông Cao Duy Thịnh, trưởng đại diện Công ty Hoàng Anh Gia Lai tại TPHCM cho biết, thủ tục hải quan cho chiếc phi cơ vào Việt Nam đã được hoàn tất, nhưng phải mất gần một tháng nữa mới hoàn thành các thủ tục còn lại.
Chiếc Beechcraft King Air 350 của ông Đức khởi hành tại sân bay Mena, bang Arkansas (Mỹ) từ ngày 8/5. Sau đó, vượt qua nhiều bang của nước Mỹ đến Nga, Nhật Bản, Đài Loan rồi mới về Việt Nam.
Chiếc máy bay này sẽ nằm lại ở sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian chờ kiểm tra kỹ thuật và cấp phép trước khi chính thức hoạt động. Ông Đức cho biết, sau khi hoàn tất các thủ tục, phi công sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên từ TPHCM về thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Ông Võ Huy Cường, Trưởng ban Vận tải hàng không Cục hàng không Việt Nam, cho biết, những thủ tục để cấp phép cho chiếc máy bay này khá đơn giản vì quy trình pháp luật đã được ngành hàng không và Bộ Giao thông vận tải quy định rất cụ thể để doanh nghiệp hay cá nhân thực hiện. Khi chủ sở hữu máy bay đáp ứng đủ các điều kiện thì cơ quan chức năng sẽ cấp ngay chứng chỉ và quốc tịch chứ không có gì phiền hà.
Được biết, Bộ Giao thông vận tải sẽ cấp giấy chứng nhận quốc tịch Việt Nam và cấp chứng chỉ đủ điều kiện bay cho chiếc máy bay này. Vấn đề quan trọng nhất là chủ sở hữu phải đảm bảo an ninh, an toàn. Thông thường, các nhà sản xuất máy bay đều đưa ra quy trình và tiêu chuẩn sửa chữa. Các cơ quan chức trách ngành hàng không Việt Nam chỉ cần kiểm tra theo quy trình và danh mục bảo dưỡng máy bay.
Về điều kiện được cấp phép, ông Cường cho biết thêm: “Chủ sở hữu máy bay phải thuê một cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa máy bay và phải có hợp đồng với phi công điều khiển máy bay. Trước khi thực hiện các chuyến bay, phải xin phép trước lịch trình bay với các cơ quan chức năng”.
| |
Những hình ảnh về chiếc máy bay của ông Đức tại sân bay |
Chiếc máy bay có số seri FL-417 do hãng Beech Aircraft Corporation (Mỹ) chế tạo, đã qua sử dụng vài tháng với 3.000 giờ bay và được bảo hành 3 năm. Đây là loại máy bay phản lực cánh quạt hai động cơ loại nhỏ. Thân máy bay dài hơn 10m, sải cánh hơn 15 m, sức chở tối đa 11 người. Ông Đức mua máy bay này nhằm phục vụ cho những chuyến công tác đến những địa điểm trong và ngoài nước.
Trong hai tuần đầu, máy bay sẽ được hai phi công Mỹ điều khiển. Sau đó, các phi công nội đã được tập huấn sẽ đảm trách công việc này.
Quy định của Chính phủ về Quản lý hoạt động bay:
Theo Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ban hành ngày 04/6/2007, đường hàng không được sử dụng theo nguyên tắc:
Đường Hàng không quốc tế được sử dụng cho cả chuyến bay quốc tế và nội địa; còn đường hàng không nội địa chỉ được sử dụng cho chuyến bay nội địa. Khi có nhu cầu sử dụng thường xuyên đường hàng không nội địa cho các chuyến bay quốc tế thì phải được Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng thống nhất trình Thủ tướng quyết định...
Cục Hàng không Việt Nam cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay cho các chuyến bay dân dụng tại Việt Nam. Tùy từng trường hợp cụ thể, người đề nghị cấp, sửa đổi phép bay phải nộp đơn trước từ 1 đến 30 ngày so với ngày dự kiến thực hiện chuyến bay.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu phải lập kế hoạch hoạt động bay dân dụng theo mùa, theo ngày và gửi cho Trung tâm quản lý điều hành bay Quốc gia. Trung tâm này sẽ tổng hợp kế hoạch hoạt động bay chung trong cả nước và triển khai đến các đơn vị quản lý vùng trời, quản lý bay; thực hiện quản lý, điều hành kế hoạch hoạt động bay chung trong cả nước… |
Nguyên Tuấn