1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Máy bay “bỏ rơi” 10 năm ở Nội Bài: Cơ quan thẩm định giá chào… thua!

(Dân trí) - Cục Hàng không Việt Nam vẫn chưa thể chốt được phương án cuối cùng trong việc thanh lý chiếc Boeing 727-200 bị “bỏ rơi” 10 năm ở sân bay quốc tế Nội Bài - Hà Nội. Mới đây cơ quan thẩm định giá chiếc máy bay này đã bỏ cuộc với lí do tính chất công việc phức tạp và chưa có tiền lệ.

Chưa từng có tiền lệ thanh lý máy bay

Hồi đầu năm nay, Chính phủ đã chỉ đạo xác lập quyền sở hữu Nhà nước và phương án xử lý chiếc Boeing 727-200 bị “bỏ rơi” 10 năm ở sân bay quốc tế Nội Bài - Hà Nội. Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc bán đấu giá tài sản theo đúng quy định pháp luật.

Việc quản lý số tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản sau khi trừ chi phí liên quan (nếu có) được nộp vào ngân sách Nhà nước. Trường hợp số tiền thu được từ bán đấu giá không đủ để thanh toán các khoản chi phí, Bộ GTVT đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo quy định.

Triển khai nhiệm vụ nói trên, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) lên các phương án nhằm thanh lý chiếc máy bay.

Chiếc Boeing 727 - 200 bị bỏ rơi ở sân bay Nội Bài 10 năm nay
Chiếc Boeing 727 - 200 bị "bỏ rơi" ở sân bay Nội Bài 10 năm nay

Cục HKVN đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp thẩm định giá, sau đó thành lập đoàn công tác tiến hành khảo sát cả bên ngoài và bên trong máy bay Boeing 727. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, công ty thẩm định giá đã “chịu thua” vì không có đủ hồ sơ, tài liệu để định giá chiếc máy bay này.

Về khả năng thuê tư vấn, định giá nước ngoài, Cục HKVN không tính đến vì dự đoán chi phí bỏ ra thuê tư vấn có thể lớn hơn chi phí thu được từ đấu giá tài sản. Do đó, Cục HKVN không có cơ sở đưa ra giá khởi điểm để thực hiện đấu giá tài sản.

Đại diện Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, việc các công ty định giá tài sản từ chối định giá chiếc Boeing 727 là dễ hiểu, vì tài sản thanh lý không có hồ sơ tài liệu, cũng không có tài sản cùng loại để dùng phương pháp so sánh.

“Chiếc máy bay có tuổi cao, sản xuất từ nhiều thập kỷ trước và hiện không còn được sử dụng phổ biến nữa thì không có chiếc cùng loại để so sánh. Hơn nữa, việc thanh lý máy bay ở Việt Nam chưa có tiền lệ nên gặp nhiều khó khăn” - đại diện Hội Thẩm định giá Việt Nam nói.

Việc khó thẩm định giá chiếc Boeing 727-200 là do không có hồ sơ tài liệu, chưa từng có tiền lệ thanh lý máy bay tại Việt Nam
Việc khó thẩm định giá chiếc Boeing 727-200 là do không có hồ sơ tài liệu, chưa từng có tiền lệ thanh lý máy bay tại Việt Nam

Theo vị này, đối với thanh lý tài sản Nhà nước là ô tô trong thực tế gặp nhiều trường hợp xe không còn giá trị sử dụng, để dãi nắng dầm mưa, chỉ có thể bán với giá sắt vụn nhưng vẫn có thể định giá được vì đa số vẫn còn hồ sơ, giấy tờ của cơ quan chủ quản. Trường hợp không có giấy tờ thì có thể dựa vào năm sản xuất, đời xe và có thể sử dụng phương pháp so sánh với xe mới cùng loại và trừ lùi theo giá trị khấu hao tài sản.

“Xin” chứ không… mua!

Trên thực tế, Học viện Hàng không Việt Nam đã nhiều lần gửi văn bản xin chiếc máy bay Boeing 727 “bỏ rơi” 10 năm ở sân bay quốc tế Nội Bài làm giáo cụ, phục vụ cho việc đào tạo các học viên chuyên ngành hàng không như tiếp viên, an ninh hàng không…

Gần đây, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cũng có văn bản đề nghị xin chiếc Boeing 727 để phục vụ công tác diễn tập cứu hộ, phòng cháy chữa cháy, dụng cụ huấn luyện…

Theo đánh giá của chuyên gia hàng không, với 2 phương án chuyển mục đích sử dụng nói trên thì việc để lại chiếc máy bay cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ hiệu quả hơn. Đây là đơn vị đang trực tiếp quản lý chiếc máy bay này, giữ máy bay tại chỗ sẽ giảm thiểu chi phí vận chuyển.

Bên trong chiếc máy bay bị bỏ rơi 10 năm ở Nội Bài
Bên trong chiếc máy bay bị "bỏ rơi" 10 năm ở Nội Bài

Được biết, hiện ở sân bay quốc tế Nội Bài có nhiều trung tâm đào tạo chuyên ngành hàng không, chiếc Boeing 727 có thể được sử dụng làm giáo cụ cho ít nhất 10 chuyên ngành như xe thang, tra nạp nhiên liệu, xe kéo đẩy băng tải, cấp điện, cấp khí cho máy bay…

Các chuyên ngành này đang được đào tạo với các mô hình giả định do các trung tâm tự xây dựng. Công tác diễn tập khẩn nguy ở Nội Bài hiện chỉ có một chiếc vỏ máy bay cũ làm mô hình. Chiếc vỏ máy bay này của Xí nghiệp bảo dưỡng máy bay A76 thuộc Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay - Vaeco.

Trong khi đó, tường hợp chuyển cho Học viện Hàng không, đơn vị này sẽ phải thuê các doanh nghiệp khảo sát, lập phương án tháo rời để chuyển máy bay về cơ sở đóng tại Cam Ranh (Khánh Hoà) rồi lắp ráp lại. Tổng chi phí cho công tác này, theo tính toán của Học viện Hàng không có thể lên đến khoảng 3 tỷ đồng, riêng tiền thuê khảo sát, lập phương án tháo rời máy bay đã lên đến 2,5 tỷ đồng.

Đề cập tới việc chuyển đổi mục đích sử dụng chiếc máy bay, đại diện Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, trong trường hợp tài sản không thể định giá phục vụ công tác thanh lý thì chuyển mục đích sử dụng và bàn giao cho cơ quan khác là hoàn toàn đúng pháp luật. Tuy nhiên, đây là tài sản công nên cơ quan được giao quản lý chiếc Boeing 727 phải có văn bản đánh giá máy bay này không còn khai thác vận chuyển hàng không được nữa, từ đó đề xuất cho phép chuyển cho một đơn vị nào đó sử dụng vào mục đích khác.

Chiếc Boeing B727 mang số hiệu đăng ký XU-RKJ, từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines - Campuchia. Sau khi khai thác được vài chuyến bay trên chặng Siêm Riệp - Hà Nội thì chiếc máy bay gặp sự cố kỹ thuật và ngừng bay, đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 1/5/2007.

Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia đã có phản hồi bằng thông báo khẳng định giấy chứng nhận người khai thác tàu bay của Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi, đồng nghĩa với việc máy bay B727-200 này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Cơ quan này đề nghị Cục Hàng không Việt Nam xử lý chiếc máy bay Boeing 727 theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Châu Như Quỳnh