1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mẫu “sổ đỏ” mới phù hợp với mọi yêu cầu quản lý

(Dân trí) - GS. TSKH Đặng Hùng Võ đã nói như vậy xung quanh việc thống nhất một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đang được Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa mẫu giấy ra lấy ý kiến công khai.

Mẫu “sổ đỏ” mới phù hợp với mọi yêu cầu quản lý - 1
Mẫu “sổ đỏ” mới đang trưng cầu ý kiến nhân dân.
 
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) đã có cuộc trò chuyện với Dân trí về vấn đề người dân đang hết sức quan tâm này.

Kỳ họp Quốc hội vừa qua đã thống nhất gộp sổ đỏ, sổ hồng thành một. Theo ông, khi gộp hai sổ sẽ đặt ra vấn đề gì?

Việc đăng ký để được cấp giấy chứng nhận về các quyền đối với BĐS có ý nghĩa rất quan trọng. Thông tin cần thiết đối với đất đai là ranh giới chính xác của thửa đất, mục đích, nguồn gốc sử dụng đất và giấy tờ chứng minh ai là chủ sử dụng đất.

Thông tin cần thiết đối với tài sản gắn liền với đất là loại tài sản, cấp hạng tài sản, diện tích đất và giấy tờ chứng minh ai là chủ sở hữu tài sản. Theo tôi, ngần ấy thông tin là đủ để đăng ký pháp lý đối với BĐS, không nên làm phiền dân phải có thêm thông tin khác ngoài phạm vi đăng ký pháp lý.

Vì sao ông lại nói là không nên làm phiền dân…?

Thực tế trong đăng ký đất đai, cơ quan quản lý cũng đã bắt Nhà nước, bắt dân phải chi quá nhiều tiền để làm những bản đồ địa chính rất rườm rà, phức tạp mà việc quản lý đất đai không cần đến mức đó.

Trong đăng ký nhà ở cũng vậy, cơ quan quản lý cũng bắt vẽ chi tiết từng tầng nhà, cả cầu thang, hành lang đặt ở đâu… những thông tin đó cũng không cần thiết cho đăng ký pháp lý.

Các cơ quan quản lý rất muốn nắm giữ quyền lực “đăng ký” để nhân tiện thu nhận thông tin cho mình mà dân “buộc” phải thực hiện, chi phí.

Nhưng có quan điểm cho rằng, làm luôn cả hai việc một lần như vậy sẽ tiện hơn…?

Mẫu “sổ đỏ” mới phù hợp với mọi yêu cầu quản lý - 2

GS. TSKH Đặng Hùng Võ.

Tiện hơn thì cũng đúng nhưng cần xem kỹ là tiện cho ai? Tiện cho cơ quan quản lý mà bất tiện cho dân thì không thể là đúng.

Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ nguyên tắc, đăng ký càng giản dị thì dân sẽ đi đăng ký, dân sẽ lựa chọn khu vực công khai của thị trường để được pháp luật bảo vệ. Điều này cũng sẽ tương tự xảy ra theo chiều hướng ngược lại.

Với mẫu sổ mới của Bộ TNMT đang lấy ý kiến công khai, ông thấy thế nào?

Tôi đã được xem mẫu sổ mới nhất trên mạng của Bộ TNMT, nó phù hợp với mọi yêu cầu về quản lý, sử dụng và tin học hóa. Giấy chứng nhận có 4 trang, được bố trí đại thể là phù hợp. Thông tin cả về thửa đất và tài sản gắn liền ở mức vừa đủ cho đăng ký pháp lý.

Khi triển khai việc đổi sổ hoặc cấp sổ mới theo chủ trương thống nhất một sổ, ông có lo ngại điều gì không?

Tôi cho rằng Bộ trưởng TNMT đã phát biểu quan điểm rất rõ, rất đúng. Các Giấy cũ đã cấp vẫn giữ nguyên giá trị, ai có nhu cầu thay đổi Giấy thì được cấp đổi sang Giấy mới mà không phải tốn kém gì.

Như vậy thì người dân không có điều gì phải lo ngại về quá trình thống nhất Giấy chứng nhận. Việc có tốn kém hơn chút ít trong quá trình thống nhất cũng là những “học phí” quản lý cần thiết trên phạm vi cả nước.

Ngoài ra liệu còn rào cản nào khác không thưa ông?

Hiện nay, việc quản lý thị trường BĐS nói chung, cũng như trong đăng ký BĐS, cấp Giấy chứng nhận cho BĐS nói riêng vẫn là mối quan hệ chưa tốt giữa các cơ quan quản lý có liên quan ở cả cấp Trung ương và các cấp địa phương.

Sự phối hợp không tốt luôn tạo ra những hệ quả tiêu cực mà nơi chịu tác động trực tiếp vẫn là người dân, doanh nghiệp. Các cán bộ có sai phạm cần phải xử lý nghiêm và kịp thời. “Liều thuốc” này tuy cũ rồi nhưng vẫn chưa được sử dụng nghiêm nên “bệnh” vẫn chưa thuyên giảm.

Xin cám ơn ông!

Lan Hương (thực hiện)