1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mát trời, người Hà Nội kéo tới công viên, rạp chiếu phim, bể bơi

(Dân trí) - Mặc dù hôm nay (29/4) nhiều công ty, cơ quan, đơn vị đi làm bù cho những ngày nghỉ 30/4 - 1/5 sắp tới nhưng đường phố Hà Nội đã thoáng đãng, vắng vẻ hơn ngày thường rất nhiều.

Do thời tiết khá dễ chịu nên ngay từ buổi sáng một số địa điểm vui chơi công cộng ở Hà Nội như Công viên Bách Thảo, Vườn thú Thủ Lệ, Công viên Thống Nhất, Công viên Hòa Bình… đã có khá đông người dân tới vui chơi.

Rất nhiều gia đình đưa con nhỏ tới Vườn thú Thủ Lệ ngày hôm nay. 
Rất nhiều gia đình đưa con nhỏ tới Vườn thú Thủ Lệ ngày hôm nay. 

Nhân viên bán vé ở Vườn thú Thủ Lệ cho biết, dù không thể thống kê được số lượng khách nhưng năm nào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nơi đây cũng trong tình trạng chật kín. “Thời tiết bây giờ đã chớm vào hè rồi nên cũng khá nóng. Những gia đình ở Hà Nội có con nhỏ thường không đi chơi xa mà chỉ loanh quanh ở các điểm vui chơi trong nội thành. Số điểm vui chơi ở Hà Nội có nhiều cây xanh, mát mẻ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay nên chỗ nào cũng đông cả”- chị nhân viên bán vé nói.

Trong khi đó, khảo sát của PV Dân trí cho thấy Trung tâm chiếu phim Quốc gia (phố Láng Hạ) và rạp chiếu phim tại Vincom (đường Bà Triệu) thu hút rất đông các bạn trẻ tới mua vé.  

Rạp chiếu phim Quốc gia ken xe dưới sảnh.
Rạp chiếu phim Quốc gia ken xe dưới sảnh.

Không thể đi biển nên rất nhiều gia đình đã chọn Công viên nước Hồ Tây làm nơi “giải nhiệt” trong những ngày nghỉ này. Đại diện Công viên nước Hồ Tây cho biết ở đây có hàng chục bể nước đa dạng: bể tạo sóng, bể hàng động, bể vầy trẻ em… phù hợp với nhu cầu của mọi lứa tuổi từ các em 3 tuổi cho tới ông bà lớn tuổi.

 
Rạp chiếu phim Quốc gia ken xe dưới sảnh.
 
Không những vậy, Công viên Mặt Trời trong khuôn viên Công viên nước Hồ Tây còn có hàng chục trò chơi đa dạng, cảm giác mạnh để các bạn trẻ thoả sức hò hét, vui cười sảng khoái xả stress sau những ngày làm việc, học tập căng thẳng.

Trò chơi rồng thép ở Công viên nước Hồ Tây.
Trò chơi rồng thép ở Công viên nước Hồ Tây.

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều gia đình Hà Nội gốc hoặc sinh sống lâu năm ở Hà Nội đều cho rằng càng được nghỉ lễ dài ngày thì càng không nên đi chơi xa, đặc biệt tới những khu du lịch nổi tiếng. Rút kinh nghiệm từ những lần đi du lịch kiểu “chen lấn” trước đây, gia đình anh Nguyễn Sơn (quận Ba Đình) quyết định ở lại Hà Nội dịp này. “Nhà có con nhỏ nên cứ nghĩ tới cảnh chen nhau tắm biển, xếp hàng chờ mua vé ở các khu du lịch là tôi phát hãi rồi nên vợ chồng bảo nhau không về quê thì ở lại Hà Nội nghỉ ngơi cho khỏe”- anh Sơn tâm sự.

Gia đình anh Huỳnh Long (quận Hoàn Kiếm) cũng rất ít khi đi du lịch trong những dịp nghỉ lễ dài ngày. Trước kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 năm nay 2 tuần, vợ chồng anh Long đã đi Nha Trang “du lịch bù”. “Đi du lịch là để nghỉ ngơi, xả stress nhưng cứ mường tượng ra cảnh các bãi biển đông nghẹt người, nhà nghỉ và khách sạn tăng giá chóng mặt mà mình lại phải đặt trước rất khổ sở nên chúng tôi ít khi đi nghỉ dịp này”- anh Long bày tỏ.

Sáng nay các quán cà phê trên phố đều khá đông khách.
Sáng nay các quán cà phê trên phố đều khá đông khách.

Trong khi đó, với hơn 60 năm sinh sống ở Hà Nội, ông Trần Ngọc Dũng (quận Hoàn Kiếm) lại có suy nghĩ rất riêng: “Cứ mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, như thế này tôi lại thấy Hà Nội đáng yêu hơn, bởi rất đông người dân trở về quê nghỉ ngơi, thăm gia đình hoặc đi du lịch ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Cát Bà, Sa Pa... nên phố sá Hà Nội thông thoáng, ít bụi bặm, ồn ã hơn hẳn. Dịp nghỉ nào cũng vậy, gia đình tôi thường rủ bạn bè đi cà phê, ăn uống hoặc tụ tập anh em, con cháu tới nhà nấu nướng liên hoan cho đầm ấm, thân tình”- ông Dũng chia sẻ.

Trong khi đó, trên một số công trường xây dựng ở Thủ đô như dự án cầu vượt ngã tư Cầu Giấy vẫn có những tốp thợ mải mê làm việc như không có ngày nghỉ.

Công trường xây dựng cầu vượt ngã tư Cầu Giấy.
Công trường xây dựng cầu vượt ngã tư Cầu Giấy. 

Kha Xuân Lộc