Mặt trận Tổ quốc TPHCM ủng hộ quản lý xe ôm
(Dân trí) - Trong buổi lấy ý kiến ngày 28/5, hầu hết đại biểu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các quận - huyện trên địa bàn TPHCM đều đồng ý với dự thảo quy định quản lý các đối tượng kinh doanh vận tải bằng xe 2, 3 bánh; trong đó có xe ôm.
Theo quy định trên thì mọi đối tượng sử dụng xe 2, 3 bánh thô sơ, gắn máy để kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa như xe ba gác, xe ôm, xe lôi, xích lô… đều phải tham gia các tổ, đội, nghiệp đoàn; đăng ký hoạt động với UBND quận - huyện và có trang phục, phù hiệu thống nhất.
Tại hội nghị, ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải công nghiệp (thuộc Sở Giao thông Vận tải, đơn vị soạn dự thảo quy định) cho biết: “Quy định này nhằm giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn TP tốt hơn và bảo vệ quyền lợi người sử dụng các dịch vụ trên. Chúng tôi cũng biết là vấn đề này tác động đến nhiều người nghèo, đời sống khó khăn nên chúng tôi đã làm hết sức thận trọng”.
Ông Tính cũng cho biết là giới tài xế kinh doanh loại hình dịch vụ này sẽ sử dụng chung một đồng phục là áo màu xanh thẫm, tay áo có in logo (phù hiệu) để cho biết là đối tượng trên đăng ký hoạt động ở địa bàn quận - huyện nào.
Hầu hết các đại biểu tham gia hội nghị cũng đồng ý quan điểm quản lý hoạt động này. Ông Nguyễn Tùng, Phó chủ tịch UB MTTQ quận 3 cho rằng: “Mô hình nghiệp đoàn xe ôm ở ga Sài Gòn đã có từ 5 năm nay. Nó góp phần lớn vào việc đưa hoạt động xe ôm tại đây đi vào nề nếp. Mọi việc diễn ra hết sức trật tự, ai đến trước thì rước khách trước, không có cảnh tranh giành, chặt chém hành khách”.
Tuy nhiên, các đại biểu mong muốn cơ quan chức năng sửa đổi một số điều còn bất cập trong dự thảo để khi quy định được ban hành sẽ dễ dàng thực hiện hơn. Trong đó, đề xuất mà nhiều đại biểu kiến nghị nhất là nên chuyển việc quản lý đăng ký cho UBND cấp phường xã, vì ở cấp quận sẽ khó mà nắm rõ hoạt động này.
Ông Nguyễn Hồng Chi, Tổ xe ôm tự quản huyện Hóc Môn, cho rằng: “Nên để chúng tôi đăng ký ở phường xã; thậm chí là khu phố, ấp. Vì các cấp cơ sở này nắm rất rõ anh em ai làm việc gì, cư trú ở đâu…”.
Ông Nguyễn Tùng cũng đề xuất là cần quan tâm đến việc tạo cơ chế cho xích lô hoạt động, vì đó là một nét văn hóa của TPHCM. Chưa kể nó có nhu cầu rất lớn là các cụ già thích đi phương tiện này, du khách nước ngoài cũng thích dạo phố bằng xích lô.
Theo ông Tùng thì: “Chúng ta có thể tạo điều kiện cho xích lô hoạt động, nhưng kiên quyết xe phải đẹp. Nếu chủ xe nghèo quá, xe tàn quá chúng ta có thể cấp cho họ xe mới bằng inox và đồng nhất. Ở Đà Nẵng làm được, không lẽ TPHCM không làm được.
Chúng ta có thể cấp nhà tình thương mà sao không thể cấp xe xích lô cho họ hành nghề kiếm sống!”.
Ông Nguyễn Hồng Chi thì lo lắng ở các huyện ngoại thành như Hóc Môn, nhiều gia đình sử dụng xe lôi để chở cỏ nuôi bò, nông sản… Xe họ sử dụng cũng thuộc diện quản lý này nhưng họ không kinh doanh, không lẽ cũng phải đăng ký? Ông mong muốn quy định rõ ràng hơn để tránh phiền phức cho dân.
Còn về việc các đối tượng không vào nghiệp đoàn và không đăng ký, theo các đại biểu không nên chế tài xử phạt. Ông Lê Trung Tính cho rằng: “Quy định chỉ nhằm quản lý tốt hơn trên tinh thần tự nguyện, tự quản là chính. Chứ còn chế tài xử phạt thì khó lắm. Đăng ký kinh doanh taxi với đủ loại giấy tờ mà vẫn có “xe dù”, vẫn khó quản lý nữa là…”.
Tùng Nguyên