1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Mập mờ tấm vé gửi xe

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ quy định, các cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm bố trí khu vực để xe cho người đến giao dịch, làm việc và không thu phí giữ xe. Nhưng trên thực tế, tờ vé xe bé xíu vẫn có lắm chuyện mập mờ.

Không có vé vẫn thu tiền

Cách đây 1 năm, Dân trí từng có bài viết về việc bãi giữ xe của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho các chủ bán chợ đêm Bến Thành thuê kho bãi để chứa dù, xe đẩy, bàn ghế. Việc làm này khiến bãi giữ xe của bệnh viện vốn ít diện tích càng bị thu nhỏ hơn. Người dân đến khám bệnh không có chỗ để xe phải chạy… vòng vòng. Ngay sau đó, ban giám đốc bệnh viện đã chấn chỉnh tình trạng này. Một năm sau, bãi xe này dẹp và chuyển sang phía cổng sau của bệnh viện. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều bất cập xảy ra ở đây.

Một cán bộ bệnh viện cho biết, bãi xe này do người bên ngoài vào thuê làm kho bãi trông giữ xe và thu tiền chứ không phải người của bệnh viện. Tuy nhiên, để được “trúng thầu”, chủ bãi cũng phải có “tay trong tay ngoài”. Vì “chi phí đấu thầu” cao nên chủ bãi xe quay sang “móc túi” người dân để bù lại bằng cách thu phí theo kiểu cắt cổ.

Mập mờ tấm vé gửi xe - 1
Tại tòa án Quận 1, ngày 28/4, vé 1 lượt gửi xe máy (xe số) là 4.000 đồng...

Mập mờ tấm vé gửi xe - 2
... nhưng ngày 6/5 (trong vé nhân viên ghi nhầm là ngày 6/4) giá vé điều chỉnh tùy ý là 3.000 đồng

Bãi xe không hề có bảng niêm yết giá. Nhân viên trông giữ thu phí 3.000 đồng/xe/lượt vào ban ngày. Chiều 28/4, phóng viên để xe đến 19h mới lấy, nhân viên liền áp dụng mức thu phí theo giá ban đêm là 5.000 đồng. Đêm 29/4, phóng viên tiếp tục gửi, đến sáng 30/4 lấy xe thì nhân viên thu 8.000 đồng. Thắc mắc thì được nghe một nhân viên lý sự: “Ông gửi qua đêm thì 5.000 đồng, giờ đã hết đêm, sang ngày thì thêm 3.000 đồng nữa. Ở đây là thế….”.

Ở cổng chính của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (đường Lê Lợi) có bảo vệ của bệnh viện trông xe. Bảo vệ không có vé khiến nhiều người rất lo ngại, sợ mất xe. Tuy nhiên, dù không vé, mỗi xe ra cổng đều phải trả 3.000 đồng. Lại thắc mắc thì nhận được cái cười xuề xòa: “Phí trông giùm mà…”.

Cô Phạm Thị Phương có người nhà cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Sài Gòn kể: “Tôi vào để xe thì không thấy ai hỏi, khi ra về thì bảo vệ đến thu tiền 3.000 đồng. Khi không có vé, nghĩa là chưa có sự giao dịch nào xảy ra, vậy mà sau đó thu tiền là điều hết sức phi lý”.

Cách bệnh viện không xa là khu vực chợ Bến Thành. Tình trạng bát nháo tại các bãi giữ xe khu cửa Đông Bến Thành lâu nay vẫn không thuyên giảm. Lúc trước, giá một lần gửi xe máy là 5.000 đồng. Do bị cơ quan chức năng kiểm tra gắt gao nên các chủ bãi liền treo các tấm biển giá 3.000 - 4.000 đồng/lượt gửi. Nhưng đó chỉ là cách ghi để đối phó chứ thực tế họ vẫn thu giá từ 5.000 - 10.000 đồng/xe máy. Anh Huy, một chủ bãi xe ở đây nói như tìm sự đồng cảm: “Treo bảng vậy thôi, chứ anh thấy đấy, thời buổi bây giờ mà thu giá 3.000 đồng thì nhằm nhò gì”.

Anh Huỳnh Long, nhân viên bán hàng của Công ty nhập khẩu thiết bị y tế bức xúc: “Đừng tưởng tăng 1.000 - 2.000 là ít. Nếu gửi xe giá 4.000 đồng, ngày gửi 2 lần hết 8.000, dân lao động sao trả nổi. Chưa nói, những người đi chào hàng như chúng tôi, một ngày ghé không biết bao nhiêu chỗ. Chỗ nào cũng thu tiền như thế này thì tiền lương cũng không đủ để gửi xe”.

Tòa án cũng thu phí giữ xe

Sáng ngày 28/4, tôi ghé Tòa án nhân dân Quận 1 liên hệ công tác. Phiếu giữ xe theo mẫu của Chi cục thuế TPHCM giá 2.000 đồng/lượt nhưng nhân viên này dùng bút mực nâng lên thành 4.000 đồng/lượt. Tôi thắc mắc, nhân viên bảo: “Vào trong đó mà hỏi”. Hàng ngày, rất nhiều người dân vào tòa án liên hệ công việc. Tòa là nơi diễn ra các phiên tòa giải quyết vụ án, rất nhiều người dân và sinh viên đến tham dự, học tập kinh nghiệm… nhưng họ đều phải trả một mức phí cao cho việc gửi xe.

Mập mờ tấm vé gửi xe - 3
Trong và ngoài khuôn viên của Tòa án Quận 1, đều do người bên ngoài thực hiện việc trông giữ xe và thu phí… cắt cổ

Sáng 6/5, phóng viên ghé lại Tòa án nhân dân Quận 1. Bãi xe phía bên ngoài lề đường Lý Tự Trọng (trước khuôn viên tòa) chật kín. Phía cổng trái có treo tấm bảng hướng dẫn nơi để xe của người đến liên hệ công tác. Bãi xe này còn trống nhưng một nhân viên giữ xe chặn ngang, bảo vòng ra bãi bên ngoài, sát đường. Vé giữ xe cũng như lần trước nhưng được chỉnh sửa giá còn 3.000 đồng/lượt. Thắc mắc: “Sao hôm trước 4.000, nay còn 3.000?”. Nhân viên đáp gọn: “Mấy thằng hôm trước nó khùng. Tùy đứa trực nó ghi…”.

Trong khuôn viên của Tòa án Quận 1, tòa chỉ dành một khoảng nhỏ phía bên phải làm nhà xe cho cán bộ, nhân viên. Toàn bộ phần diện tích còn lại gồm phía bên hông trái, phía trước tiền sảnh và vỉa hè đường Lý Tự Trọng phía trước đều cho người bên ngoài thuê để thực hiện việc trông giữ, thu phí xe. Vì vậy, khi có người đến tòa liên hệ công tác, những nhân viên giữ xe đều tấn ngang cổng, bắt họ phải giữ xe theo bãi của mình và thu phí từ 3.000 đồng trở lên.

Sáng ngày 6/5, PV Dân trí đến gặp lạnh đạo Tòa án Quận 1 để tìm hiểu sự việc nhưng cả phòng của Chánh án và Phó chánh án đều đóng cửa. Một nữ nhân viên văn phòng của Tòa án Quận 1 cho biết, các lãnh đạo đi họp. Theo nhân viên này cho biết thì Công đoàn của Tòa án chấp nhận cho người bên ngoài thuê một phần khuôn viên tòa để làm bãi giữ xe nhưng không hề biết việc thu phí quá cao so với quy định. 

Mập mờ tấm vé gửi xe - 4

Chỉ còn một lối nhỏ vào tòa

Một luật sư kể: “Tôi có đến đây làm việc, dù nhân viên giữ xe không đòi tiền nhưng khi tôi hỏi thì nhân viên này nói: “Anh đưa bao nhiêu cũng được!”. Tôi nghĩ, nên công khai, niêm yết giá thì mới dẹp được tình trạng mập mờ trong việc thu phí xe này”.

Sinh viên Phạm Công Tàu (trường Đại học Luật TPHCM) bức xúc: “Nếu Nhà nước chủ trương không thu tiền thì phải tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết vì hiện còn rất nhiều người dân không biết có chuyện miễn phí gửi xe tại các cơ quan hành chính…”.

Theo Sở Tài chính TPHCM, hiện nay vẫn áp dụng mức thu phí trông giữ xe của năm 2005 là từ 1.000 - 2.000 đồng/xe/lượt. Sở đã có đề án về đề xuất điều chỉnh việc thu phí trông giữ xe nhưng đó vẫn chỉ là đề xuất chứ chưa được thông qua hay áp dụng.

Công Quang