Mạng lưới kinh doanh ăn mày

Các em nhỏ bị đưa vào TPHCM theo một “hợp đồng cho thuê con” do gia đình đứng ra ký sau khi nhận tiền ứng trước của những kẻ chăn dắt đồng hương. Hằng ngày, các em phải đi xin tiền, nếu không nộp đủ “định mức” sẽ bị đánh đập tàn nhẫn.

Tung tích bản “hợp đồng cho thuê con”

 

Ngay khi vừa đến Thanh Hóa, chúng tôi về xã Quảng Đại tìm ông Viên Văn Xương - người ký vào bản hợp đồng cho con gái là Tuyết đi theo tên Phạm Văn Minh vào TPHCM “làm ăn”.

 

Nghe chúng tôi hỏi chuyện về bé Tuyết, anh Trần Hữu Vinh - trưởng Công an xã Quảng Đại - nói ngay: “Có phải cháu Tuyết con ông Xương, bà Guộn ở thôn 8 vừa được Sở Lao động - thương binh & xã hội TPHCM thu gom trên đường phố đưa về địa phương phải không? Công an huyện đã gọi tôi lên nhận cháu về giao gia đình rồi”.

 

Người đàn bà nghèo khổ kể cho chúng tôi nghe về làng quê nghèo của mình một cách chua chát: “Người dân ở đây nghèo lắm, hễ nghe ai nói mỗi tháng vào miền Nam kiếm được ba bốn trăm ngàn đồng là họ cho con em đi ngay, bất kể vào đó làm gì. Có lúc bọn chúng công khai đi lùng khắp xóm, xã rồi dùng xe công nông chở người về “trung tâm chăn dắt” của những ông, bà “trùm”. Người dân đâu có biết gì”.

Nói xong anh Vinh dẫn chúng tôi đến nhà ông Xương. Đó là một căn nhà lụp xụp nằm sâu trong ngõ nhỏ. Một bé gái chừng 15 tuổi, người ốm, nước da đen nhẻm đang ngồi ở góc sân.

 

Anh Vinh nói: “Cháu Tuyết đấy. Từ hôm đưa cháu về, tôi yêu cầu gia đình quản lý không cho cháu rời địa phương nữa”. Anh Phạm Văn Gia - anh trai Tuyết - khá ngạc nhiên khi chúng tôi đưa bản hợp đồng cho thuê cháu Tuyết.

 

Gia lắc đầu: “Có một bà tên Vân ở trong làng đến nhà bảo có người quen trong Sài Gòn cần tìm trẻ đi làm, trả lương cao. Nghĩ bà Vân là người cùng làng mới tin tưởng. Khi Tuyết đi, mẹ tôi chỉ nhận tiền ứng trước của bà Vân 500.000 đồng, không ký hợp đồng gì cả”.

 

Thấy mọi người đang hỏi chuyện về mình, Tuyết rón rén đến gần. Cô bé vẫn chưa hết bàng hoàng về những ngày vào miền Nam “đi làm”: “Cháu vô Sài Gòn tưởng được đi bán vé số, nhưng hóa ra không phải. Người đàn ông tên Minh có vết sẹo trên mặt bắt cháu đi xin ăn và mang tiền về nộp, xin không được thì bị ông ấy đánh thậm tệ. Ông ấy bảo mỗi ngày phải nộp đủ 150.000 đồng, nếu không sẽ bị ăn đòn.

 

Hôm nào xin được nhiều ông Minh cho 5.000 đồng bỏ lợn (heo đất), nhiều hôm xin được khá nhiều nhưng không cho đồng nào. Ngày nào cháu cũng bị đánh. Có đêm đang ngồi ăn ông Minh đánh cháu hộc cơm, mấy ngày không ăn được”.

 

Anh trai Tuyết nói thêm: “Ở xã ni có nhiều người chuyên đi về các thôn xã để lùng trẻ con đưa vào miền Nam lắm, các anh thử tìm hiểu xem, nhiều người ở Quảng Thái, Quảng Lộc còn kéo nhau qua đây mượn người vô Sài Gòn”.

 

 

Mạng lưới kinh doanh ăn mày - 1
 

Bản hợp đồng do "trùm"
Minh tự viết.

Ông Trần Công Tính, bí thư xã Quảng Thái, nói: “Chuyện chăn dắt chúng tôi có biết. Tháng 2/2005, nghe người dân phản ảnh về các đối tượng thầu chăn dắt đưa người đi, xã có mời các đối tượng lên nhưng họ chối quanh, vì không bắt quả tang nên cũng thôi. Một số đối tượng khác thì đã ký cam kết. Nhưng thực tế bọn họ chỉ đưa người các xã khác đi và đi trong đêm nên rất khó xử lý”!

 

Làm giàu trên những số phận đen đủi

 

Tại thôn Phúc Thành, xã Quảng Lợi (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), chúng tôi không khó khăn khi tìm ra nhà Phạm Văn Minh. Ông H., một người hàng xóm, kể rành mạch: “Nó làm ăn trong Sài Gòn, ít về, vợ nó vừa vào đó ôm tiền về, rồi lại đi tìm con nít mang vào trong đó.

 

Ngày trước, nó vào tù ra khám như cơm bữa. Lâu lâu thấy công an ập đến nhà còng đi vì ăn cắp trên xe tải đường dài trên quốc lộ 1A. Vết sẹo dài trên mặt là do tranh giành bị bọn trấn cướp khác chém đấy...”.

 

Ông Lê Duy Nết, phó Công an xã Quảng Lợi, cho biết Phạm Văn Minh sinh năm 1966, đã bị công an tỉnh bắt đi tù nhiều lần vì tội trấn cướp, trong đó có hai lần bị ngồi tù hai, ba năm.

 

Năm 2002 Minh ra tù, được anh ruột là Phạm Văn Thanh có “thâm niên” cả chục năm trong “nghề” chăn dắt ăn mày truyền “nghề”, rồi y bắt đầu cất công tuyển mộ và đem “lính” vào TPHCM.

 

Theo bà con thôn Phúc Thành, từ ngày chăn dắt ăn mày vào TPHCM, cuộc sống gia đình tên Minh phất lên rất nhanh. Từ hai bàn tay trắng, mỗi tháng vợ y lại vào TPHCM gom tiền về quê mua sắm tivi, đầu máy, điện thoại di động đời mới, xe máy... Căn nhà cũ nát năm nào khi mới ra tù nay đã được xây mới khang trang.

 

Một người dân Phúc Thành xót xa: “Người làm chăn dắt như thằng Minh ở đây đầy! Bọn họ về đây còn kháo nhau đủ loại mánh lới làm giàu trên thân xác những số phận đen đủi mà họ gọi là “quân”, “lính” hoặc tệ hơn họ gọi những người đồng hương mà họ bắt đi ăn xin là “trâu, bò”.

“Vấn đề người đi ăn xin ở Thanh Hóa có từ lâu đời, xuất phát từ làng Đồn Điền, xã Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa. Đây không chỉ thuần túy về kinh tế mà là vấn đề văn hóa, lịch sử, người dân có tục đi ăn xin từ xa xưa, sau lây lan ra nhiều xã khác. Nhưng tình trạng đó nay đã giảm hẳn trong thời gian qua. Chúng tôi đã giao công an tỉnh nắm các đối tượng “đầu nậu ăn mày”, nhưng chưa trực tiếp phát hiện được trường hợp nào vì các đối tượng này không hoạt động tại địa phương nên rất khó. Nếu phát hiện được các “đầu nậu ăn mày”, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm” - ông Vương Văn Việt, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nói.

Bọn chăn dắt chỉ trong một năm kiếm được cả trăm triệu, nhiều tên bên Quảng Thái còn xây cả biệt thự nữa!”.

 

Chúng tôi tìm đến xã Quảng Thái, làng Đồn Điền với tiếng đồn “làng ăn mày” vắng ngắt. Đang bàng hoàng trước tòa nhà hai tầng lầu của bà “trùm” chăn dắt Bùi Thị P. ở xóm 9, nằm cách ủy ban xã Quảng Thái không xa, một ngư dân đi qua đường nói: “Đưa người vào trong đó làm ăn giàu ra phết, cả hai ông bà vừa đưa mười “lính” vô Nam sáng nay!”.

 

Vài ngày trước khi chúng tôi đến Quảng Thái, ông N. ở xóm 9 cũng vừa mang sáu “quân” vô TPHCM “làm ăn”.

 

Ông Tr. cuối xóm cũng kéo cả nhà và tuyển thêm hơn cả chục “trâu, bò” vừa “bắt” được ở quanh vùng đi Nha Trang tổ chức đường dây cái bang... Ở Quảng Thái, số người làm “thầu” chăn dắt đông, trong đó nổi lên những “đại gia” Th., Ph., L., S., L., D...

 

Những năm gần đây, nhiều “trùm” chăn dắt do bị chính quyền Quảng Thái theo dõi ráo riết nên đã “ứng biến” qua các xã khác để “bắt quân” với qui mô ngày càng lớn.

 

Nhiều người dân ở Quảng Thái cho chúng tôi biết đã nhiều lần các “trùm” chăn dắt xã này “bắt” người từ các xã khác chở về trên mấy chiếc xe công nông, họ đổ quân về đây trong đêm và sáng sớm hôm sau có đường dây để đưa vào các thành phố lớn phía Nam.

 

Họ còn gầy dựng một hệ thống đường dây “cò” chăn dắt ở các làng xã là “vệ tinh” để tiện cho việc “chiêu quân” và cả một thị trường chuyển nhượng, sang tay những bà cụ, cháu bé trong miền Nam.

 

Bọn chúng còn tạo những hợp đồng giả với tên, địa chỉ ma để ép buộc “lính” làm việc mà không được phản kháng cũng như để đối phó với chính quyền, công an khi bị “sờ gáy”.

 

Một người dân ở đây hỏi chúng tôi: “Người dân quê tôi chân chất, ai cũng muốn có cơm no đủ đầy. Tại sao bọn họ có thể làm giàu trên số phận nghèo khó của chúng tôi vậy?”. Câu hỏi cứ day dứt chúng tôi trên đường về...

 

Theo Vũ Toàn - Trần Huỳnh
Tuổi Trẻ