1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mái ấm bình yên của những trẻ không gia đình

(Dân trí) - 15 năm nay, Hội Từ thiện TP. Cần Thơ đã cưu mang hàng ngàn trẻ lang thang, nuôi các em lớn khôn và thành đạt. Ở đây, hằng ngày các em được vui chơi giải trí theo nhu cầu lứa tuổi, học văn hóa, học nghề như thêu, nấu ăn, cắt may…

Những mảnh đời bất hạnh

Đến Hội Từ thiện TP. Cần Thơ, tôi gặp một cậu bé đen đủi, em lễ phép khoanh tay chào. Cứ tưởng em chừng 7 hay 8 tuổi, khi tiếp xúc mới biết em năm nay đã 15 tuổi tên là Danh An, người dân tộc Khmer. Danh An bảo “em không cha, không mẹ, không có nhà”. Hai anh em Danh An vừa được Hội từ thiện TP. Cần Thơ nhận về cưu mang.

An tâm sự, mỗi ngày vào giờ tan học, thấy các bạn được cha mẹ đến đón, em cũng mong có một ngày mẹ em sẽ đến cổng trường để đón em. Nhưng với em đó là điều không thể xảy ra bởi chính em cũng không biết mẹ mình đang ở nơi nào.

Mái ấm bình yên của những trẻ không gia đình - 1

Danh An đang học bài.

Cảnh ngộ của em Trần Thị Trúc Anh cũng éo le không kém.

Năm Trúc Anh 13 tuổi, cha em bất ngờ bỏ nhà ra đi, để lại 2 mẹ con em. Một tháng sau mẹ đổ bệnh, rồi mấy ngày sau đó mẹ em cũng bỏ em đi mất. Thế là còn mình em cô đơn trong gian nhà trọ, không người thân thích, không có cơm ăn, không tiền trả nhà trọ. Bà chủ nhà tốt bụng đã không lấy tiền nhà trọ mà còn tìm việc cho em làm thêm sau mỗi giờ tan học.

Trúc Anh làm đủ mọi việc, miễn có tiền đi học và cơm ăn, từ rửa bát cho các quán cơm, làm mướn trông em cho hàng xóm… Cuộc sống cứ thế trôi qua. Ba năm sau, khi 16 tuổi, Trúc Anh thi đậu vào cấp 3 nhưng không có tiền học.

Bỗng một ngày như có phép lạ, một người đàn bà tốt bụng gặp em, hỏi han hoàn cảnh, biết em sống trong cảnh cô đơn, bà đã đưa em tới Trung tâm Từ thiện TP. Cần Thơ. Và nơi đây đã trở thành mái ấm nuôi dưỡng em vượt qua những ngày khốn khó.

 

Mái ấm bình yên của những trẻ không gia đình - 2

Trúc Anh đang tập thêu.

Giờ đây ngồi trước mặt tôi là Trúc Anh, cô học sinh lớp 10 trường bán công Phan Ngọc Hiển (TP. Cần Thơ) có khuôn mặt hồng hào xinh xắn. Ngoài giờ học văn hóa, Trúc Anh được các thầy cô ở Hội Từ thiện dạy nghề.

Mái ấm tình thương

Mỗi trẻ lang thang như Danh An, Trúc Anh… được Hội Từ thiện TP. Cần Thơ cưu mang đều có một nỗi đau, một hoàn cảnh bất hạnh riêng. Nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ, thiếu tình thương, thiếu một mái ấm gia đình và tương lai mờ mịt.

Từ khi thành lập (năm 1993) đến nay, Hội Từ thiện TP. Cần Thơ (ở số 2 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP. Cần Thơ) đã nuôi và cưu mang hàng ngàn trẻ bất hạnh nhiều em đã lớn khôn và thành đạt. Đầu năm đến nay, Hội nhận nuôi dưỡng và đỡ đầu 126 trẻ, hằng ngày các em được vui chơi giải trí theo nhu cầu lứa tuổi, học văn hóa, học nghề như thêu, nấu ăn, cắt may…

Hội Từ thiện đã trở thành mái ấm nuôi dưỡng những trẻ lang thang, cảm hóa các em trở thành người ngoan và tự tin hòa nhập với cộng đồng. Trước khi được Hội Từ thiện cưu mang, mỗi ngày, các em phải lo ngay ngáy với việc tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Không cha mẹ, không nghề nghiệp, không có đồng xu dính túi, trẻ lang thang dễ rơi vào các tệ nạn xã hội.

Bà Võ Thị Ngọc Ánh Phó chủ tịch Hội Từ thiện Cần Thơ tâm sự: Chúng tôi mong muốn làm sao các em học được một nghề nào đó để trở thành con người tốt, có việc làm, có bản lĩnh vượt qua cuộc sống lang thang, không gia đình.

Hội Từ thiện TP. Cần Thơ hiện có 10 cán bộ chuyên trách, một cô giáo và 18 chi hội, 30 thiện nguyện viên. Nhưng cán bộ Hội chủ yếu là những người cao tuổi, sức khỏe kém nên hoạt động còn hạn chế.

Kinh phí hoạt động hiện nay của Hội chủ yếu nhờ vào lực lượng Mạnh Thường Quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tham gia đóng góp tiền và vật chất. Với 15 tuổi đời, Hội đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu để vận động mọi người cùng chia sẻ “Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện”.

Phạm Tâm